Lịch sử môi trường và thiên tai ở Việt Nam

08:02 AM 09/11/2017 |  Lượt xem: 2896 |  In bài viết | 

Bắc Ninh trong trận lụt năm 1923

Thực tế cho thấy lũ lụt, động đất, sóng thần, hạn hán, lở đất, côn trùng… ghi dấu trên bước đường đi của nhân loại, ảnh hưởng trên tất cả các phương diện của đời sống xã hội, từ tín ngưỡng, tôn giáo, tâm linh đến tổ chức chính trị. Vì vậy, việc nghiên cứu lịch sử môi trường và thiên tai của Việt Nam không chỉ là cách giúp tìm câu trả lời cho những vấn đề cấp thiết về tài nguyên, môi trường hiện nay của chúng ta, mà còn giúp hiểu rõ hơn bản sắc và những đặc trưng cội rễ của dân tộc.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy lịch sử môi trường thực sự mang lại những hiểu biết quan trọng trong cách thức nhân loại đối phó với thách thức biến đổi khí hậu hay cạn kiệt tài nguyên. GS. Jared Diamond, ở Đại học Chicago (UCLA) viết trong công trình quan trọng về tương tác giữa con người với môi trường và đặt ra câu hỏi: Tại sao các xã hội lại thất bại hoặc thành công?

Ông chỉ ra nguyên nhân cốt lõi chính là cách thức các xã hội tương tác với môi trường, sử dụng các nguồn tài nguyên, đặc biệt là đất đai, nguồn nước, và rừng. Sự suy thoái của các nhân tố này sẽ đóng vai trò quyết định đến sống còn của các xã hội, trước khi thay đổi thời tiết, bệnh dịch, hay ngoại xâm ra những đòn cuối cùng.

Trên thế giới, lịch sử môi trường đang trở thành ngành được quan tâm và các sử gia về lịch sử môi trường gần đây đã có nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt là kết hợp sử dụng tư liệu lưu trữ và ghi chép với thành tựu nghiên cứu của các khoa học liên ngành khác.

Các khảo sát về lịch sử môi trường và thiên tai trong thập kỷ vừa qua chủ yếu chú ý đến quá trình khai thác hai vùng châu thổ sông Hồng và sông Mekong, liên quan đến mở rộng đất đai canh tác, việc phá rừng, sử dụng và quản lí nguồn nước, và lụt lội. Mặc dù vậy, bức tranh về lịch sử môi trường đối với cả hai vùng châu thổ hiện mới chỉ sơ khai. Chúng ta chú ý nhiều đến lịch sử khai phá, lập nhà nước, xác lập chủ quyền lãnh thổ. Còn lịch sử khai thác tự nhiên như thế nào, đê điều, khai hoang, kỹ thuật khai hoang, trị thủy, cách thức đối phó với lụt và hạn hán, thiên tai, quản lí hệ thống đê điều… thì hầu như còn là khoảng trống.

Thực tế cho thấy hiện vẫn chưa thực sự xuất hiện ngành nghiên cứu lịch sử môi trường và thiên tai ở Việt Nam. Thiên tai và tác động của tự nhiên ghi dấu ấn cực kỳ quan trọng trong lịch sử loài người. Phần lớn các dân tộc trên thế giới trong tâm thức sơ khai của mình đều có câu chuyện về hồng thủy.

Lũ lụt, động đất, sóng thần, hạn hán, lở đất, côn trùng… ghi dấu trên bước đường đi của nhân loại, ảnh hưởng trên tất cả các phương diện của đời sống xã hội, từ tín ngưỡng, tôn giáo, tâm linh đến tổ chức chính trị. Việc giải mã các nhân tố này không chỉ là cách giúp tìm câu trả lời cho những vấn đề cấp thiết về tài nguyên, môi trường ở Việt Nam, mà còn giúp hiểu rõ hơn bản sắc và những đặc trưng cội rễ của dân tộc.

Một trong những vấn đề cốt lõi của nghiên cứu lịch sử môi trường và thiên tai là tìm kiếm cách thức hiệu quả mà các nhóm bản địa đã theo đuổi nhằm duy trì cuộc sống hài hòa với tự nhiên. Đó có thể là cách thức người Tây Nguyên khai thác tài nguyên rừng, các nhóm dân cư hạ lưu Mekong dựa vào mùa nước lên xuống để tồn tại, cách thức chống hạn hán của cư dân Nam Trung Bộ, hay những giống cây con bản địa có khả năng chống chọi tốt với sự khắc nghiệt của thời tiết… Những tri thức này là cực kỳ hữu ích đối với xã hội hiện đại.

Cuối cùng, kỷ nguyên của chinh phục và chế ngự tự nhiên đã qua. Con người giờ đây tìm kiếm những cách thức chung sống hòa đồng và bền vững cùng tự nhiên. Đó cũng chính là lúc lịch sử có thể góp tiếng nói của mình. Quá khứ luôn cho chúng ta những bài học sống động, và không bao giờ lỗi thời.

Vua thứ hai triều Nguyễn là Minh Mệnh có mối ưu phiền lớn đối với các cư dân ở châu thổ Mekong: tại sao dân ở đây không lập làng định cư mà đi lại tự do theo con nước? Tại sao triều đình khuyến khích họ làm nông nghiệp, bắt sống trong làng xã nhưng một lượng không nhỏ dân cư theo mùa nước lên xuống buôn bán?

Vua Minh Mệnh đã đúng từ góc độ nhà nước, để quản lí được dân cư, chính quyền phải đưa dân vào các không gian xác định, buộc chặt họ với đất đai, thuế khóa, tuyển lính, xây dựng bản đồ dân cư…

Nhưng điều đó cũng có nghĩa là tạo ra xung đột giữa lối sống bản địa và đặc thù tương tác của họ với tự nhiên. Một nhà nước kiến tạo phát triển và một xã hội theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững cần lắng nghe và tôn trọng lợi ích của các cộng đồng bản địa gắn với tự nhiên, gắn phát triển với bảo tồn. Với những điều này, lịch sử chắc chắn là một phần của câu trả lời.

(moitruong.com.vn)

CHỦ ĐỀ CỦA NĂM

LIÊN KẾT