Đề xuất chính sách, thực hiện mô hình cải thiện vệ sinh môi trường trong tập quán tang ma của một số DTTS
10:48 PM 13/01/2023 | Lượt xem: 2346 In bài viết |Ngày 13/01, tại trụ sở Ủy ban Dân tộc (UBDT), TS. Lê Sơn Hải, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ của UBDT đã chủ trì buổi nghiệm thu dự án Điều tra, đánh giá và Đề xuất chính sách, thực hiện mô hình cải thiện vệ sinh môi trường (VSMT) trong tập quán tang ma của một số DTTS. Tham dự phiên họp có các thành viên Hội đồng nghiệm thu và một số nhà khoa học.
Dự án Điều tra, đánh giá và Đề xuất chính sách, thực hiện mô hình cải thiện VSMT trong tập quán tang ma của một số DTTS do PGS. TS. Nguyễn Trường Giang là Chủ nhiệm, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) là đơn vị chủ trì triển khai. Mục tiêu của Dự án là nghiên cứu, điều tra, đánh giá thực trạng tập quán tang ma của một số DTTS tại 03 tỉnh Lào Cai, Ninh Thuận, Bình Thuận; khái quát hệ thống văn bản, chính sách liên quan đến tập quán tang ma và chỉ ra những bất cập trong chính sách, pháp luật về tang ma ở vùng DTTS; triển khai các mô hình tại Ninh Thuận và Bình Thuận. Từ đó, đề xuất các giải pháp, kiến nghị chính sách phù hợp góp phần cải thiện VSMT trong các tập quán tang ma của các DTTS Việt Nam.
Dự án đã nghiên cứu tại 03 tỉnh Lào Cai, Ninh Thuận và Bình Thuận, gồm 12 huyện và 24 xã, với đối tượng là cán bộ và người dân, trong đó chú trọng đến các nhóm DTTS là người Mông, Hà Nhì, Chăm, Raglay, Cơ Ho, Gia-Rai và một số các dân tộc khác. Từ các kết quả điều tra, khảo sát, nghiên cứu và công tác dự báo xu hướng, Dự án đề xuất các nhóm giải pháp như: truyền thông, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi; hoàn thiện quy định, chế tài, tiêu chuẩn kỹ thuật; tăng cường năng lực quản lý của chính quyền địa phương; hỗ trợ phương tiện, cơ sở hạ tầng, công trình hoả tang, địa tang gắn với bảo vệ môi trường…
PGS. TS. Nguyễn Trường Giang (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) - Chủ nhiệm Dự án thay mặt nhóm nghiên cứu báo cáo kết quả triển khai của Dự án
Dự án đã triển khai xây dựng các mô hình về: Phổ biến kiến thức; Tổ tự quản và xây dựng quy chế, quy ước thực hiện VSMT trong hoạt động tang ma; Truyền thông thay đổi hành vi. Với 32 buổi tập huấn, hướng dẫn, tổ chức 16 lớp bồi dưỡng kiến thức, 16 buổi triển lãm ảnh do người dân tự chụp, Dự án đã góp phần xây dựng 16 quy chế, quy ước về VSMT trong hoạt động tang ma; in và phát hơn 4.000 tài liệu hướng dẫn, phổ biến kiến thức về thực hiện VSMT trong tập quán tang ma của các DTTS trong địa bàn; biên soạn nội dung bằng tiếng Chăm và tiếng Việt, phát thanh tại các thôn, bản…
Các hoạt động trong triển khai xây dựng mô hình đã góp phần từng bước thay đổi nhận thức của đồng bào DTTS trong việc đảm bảo VSMT trong tổ chức tang ma. Các lớp bồi dưỡng kiến thức cùng những tài liệu đã giúp người dân và chính quyền có nhìn nhận đầy đủ về hiện trạng VSMT trong tập quán tang ma của đồng bào DTTS; xây dựng được các thiết chế và công cụ quản lý để từng bước chuẩn hóa và đảm bảo đảm VSMT trong hoạt động tang ma được duy trì bền vững tại địa bàn. Từ đó, người dân đã có các kiến nghị giải pháp nhằm cải thiện VSMT trong tập quán tang ma của đồng bào DTTS phù hợp với phong tục, tập quán, điều kiện địa phương.
Ông Nguyễn Minh Tân, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận phát biểu ý kiến tại phiên họp
Từ các hoạt động triển khai, Dự án kiến nghị các cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác quán triệt, nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hiện; tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát, sơ kết tổng kết việc thực hiện chuyên đề. Đặc biệt quan tâm chỉ đạo việc phát huy vai trò nêu gương của đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên hội viên trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới việc, tang và lễ hội.
Các cấp, ngành quan tâm, xây dựng Quy chế, hương ước của thôn, bản; gắn thực hiện quy ước văn hóa với quy ước sinh hoạt tôn giáo để thực hiện các nghi lễ, phong tục trong tang ma. Trong đó, chú ý phát huy các bản sắc, văn hóa tốt đẹp của đồng bào trong tang ma; thay thế, đổi mới một số nội dung còn lạc hậu, gây tiêu cực trong cộng đồng. Đối với việc này, nhất thiết phải đảm bảo nguyên tắc phù hợp với đặc điểm, phong tục, tập quán của đồng bào và phải được nhân dân đồng tình ủng hộ. Quy hoạch, sắp xếp, quản lý các khu nghĩa trang phục vụ chôn cất người mất của các cộng đồng theo quy hoạch của các địa phương…
Hội thảo khoa học của Dự án tại tỉnh Bình Thuận
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải đánh giá: Dự án đã có sự gắn kết giữa nghiên cứu và thực tiễn; việc triển khai xây dựng mô hình hiệu quả đã có nhiều tác động tích cực, tạo sự quan tâm trong cộng đồng, gắn kết với sự vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp. Đóng góp thiết thực cho thay đổi nhận thức, hành vi, gắn với việc thực hiện theo các chủ trương, chính sách, văn bản hướng dẫn của Đảng và Nhà nước.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đề nghị: Cần phân tích cụ thể hơn giải pháp nâng cao nâng cao vai trò của đội ngũ chức sắc, chức việc, Người có uy tín trong giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, góp phần loại bỏ các hủ tục; sớm chuyển giao các kết quả nghiên cứu và xây dựng mô hình cho địa phương; đảm bảo tính bền vững của Dự án sau khi kết thúc, góp phần nhân rộng, tạo sự lan tỏa sâu rộng, đưa chính sách vào thực tiễn cuộc sống của người dân. Kết quả triển khai của Dự án cũng sẽ góp phần triển khai thành công Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS thời gian tới.
Công tác tập huấn của Dự án
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng đánh giá Dự án được nghiệm thu ở mức “Đạt” trên cơ sở tiếp thu, hoàn thiện ý kiến góp ý, thảo luận của các thành viên Hội đồng.