Xây dựng hệ thống giải pháp tổng hợp phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong canh tác nông nghiệp của đồng bào DTTS
07:00 PM 10/01/2023 | Lượt xem: 2024 In bài viết |Ngày 10/01, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã tổ chức buổi nghiệm thu dự án Đánh giá thực trạng và xây dựng hệ thống giải pháp tổng hợp phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong canh tác nông nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khu vực Tây Bắc. PGS. TS. Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp, Bộ NN&PTNT là Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu. Tham dự phiên họp có các thành viên Hội đồng và một số nhà khoa học.
Mục tiêu của Dự án là đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường trong canh tác nông nghiệp; đồng thời đánh giá được nhận thức, kinh nghiệm và tập quán canh tác của đồng bào DTTS trong bảo vệ môi trường; xây dựng các mô hình quản lý về canh tác đất dốc bền vững phòng ngừa ô nhiễm đất, phục hồi đai rừng phòng hộ ven bờ sông suối phòng ngừa ô nhiễm môi trường nước; xây dựng các tài liệu tập huấn nâng cao nhận thức trong bảo vệ môi trường nông nghiệp. Từ đó, đề xuất các giải pháp tổng hợp phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong canh tác nông nghiệp gắn với phát triển sinh kế bền vững của đồng bào DTTS khu vực Tây Bắc.
Đối tượng chính của dự án là hiện trạng môi trường canh tác nông nghiệp ở khu vực Tây Bắc, trong đó tập trung chủ yếu vào các loại hình canh tác trên đất dốc và canh tác ven bờ sông suối; kèm theo các giải pháp, biện pháp để phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trong canh tác nông nghiệp. Cùng các hoạt động điều tra, khảo sát, Dự án đã tiến hành phỏng vấn 1.600 hộ gia đình tại 16 xã, 05 huyện của 04 tỉnh khu vực Tây Bắc: Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu.
PGS. TS. Phùng Văn Khoa (Trường Đại học Lâm nghiệp) - Chủ nhiệm Dự án, phát biểu ý kiến tại phiên họp
Dự án đã điều tra, đánh giá nhận thức và kinh nghiệm của đồng bào DTTS trong bảo vệ môi trường, canh tác nông nghiệp ven sông suối và trên đất dốc trong sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, sử dụng phân bón hóa học, trong canh tác nông nghiệp trên đất dốc, canh tác ven bờ sông suối, trong xử lý chất thải nông nghiệp tại khu vực nghiên cứu. Cùng với đó, Dự án đã triển khai 06 lớp tập huấn để nâng cao nhận thức trong bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn cho cộng đồng; thiết kế thí điểm một số mô hình canh tác đất dốc bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất; mô hình phục hồi đai rừng bảo vệ môi trường ven sông suối, đảm bảo giảm thiểu xói mòn, phòng ngừa ô nhiễm nguồn nước từ các hoạt động canh tác nông nghiệp ven bờ.
Qua các hoạt động điều tra, nghiên cứu, đánh giá và xây dựng mô hình, Dự án đã đề xuất các giải pháp tổng hợp phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong canh tác nông nghiệp gắn với phát triển sinh kế bền vững của đồng bào, với các nhóm giải pháp như: quy hoạch (không gian, thời gian); cơ chế chính sách, cơ sở pháp lý, hệ thống quản lý, giám sát và đánh giá; khoa học công nghệ (cây trồng, chăn nuôi, quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, quản lý chất thải nông nghiệp); tăng cường năng lực cho các tổ chức có liên quan và cộng đồng người dân...
Bản đồ 04 tỉnh và 04 huyện được lựa chọn trong vùng Dự án
Đánh giá cao các hoạt động triển khai của Dự án, đặc biệt là phương pháp phân tích, sử dụng mô hình dự báo phù hợp với mục tiêu của Dự án, các thành viên Hội đồng đề nghị cần làm rõ hơn phương án lựa chọn địa bàn nghiên cứu, nguyên tắc và vị trí lấy mẫu; bổ sung số liệu và thuyết minh rõ điều kiện đối với công tác phân tích số liệu; biên tập lại hệ thống tài liệu hướng dẫn, tuyên truyền cho ngắn gọn, súc tích hơn… Hội đồng đánh giá Dự án được nghiệm thu ở mức “Đạt” trên cơ sở tiếp thu, hoàn thiện ý kiến góp ý, thảo luận của các thành viên Hội đồng.