Yên Bái: Nhiều giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu

12:00 AM 12/09/2019 |  Lượt xem: 277 |  In bài viết | 

Từ năm 2009 đến nay, các đợt thiên tai trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã làm 145 người chết và mất tích, 120 người bị thương; hơn 800 nhà sập đổ; 22.563 ha diện tích cây trồng bị thiệt hại; 68.724 con gia súc, gia cầm bị chết, hư hỏng nhiều công trình cơ sở hạ tầng của nhà nước, nhà xưởng, cơ sở hạ tầng của doanh nghiêp và của người dân. Ước thiệt hại khoảng 3.329 tỷ đồng. Đây là một trong những hậu quả trực tiếp do BĐKH gây ra.

Nhận thức được mức ảnh hưởng của BĐKH, Yên Bái đã chú trọng tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục; làm tốt công tác nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với BĐKH. Phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội với ngành TN&MT trong công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH. Từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh Yên Bái đã triển khai tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm triển khai Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011-2015”; Tổ chức Tuyên truyền ứng phó BĐKH và chống rác thải nhựa trên toàn tỉnh....

Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái đã hợp tác quốc tế để thực hiện các điều ước quốc tế về ứng phó với BĐKH. Trong 02 năm 2017-2018, tỉnh Val-de-Marne (Pháp) đã hỗ trợ các huyện Mù Cang Chải và huyện Văn Chấn với số tiền 40.000 Euros (tương đương 1,04 tỷ đồng) để khắc phục hậu quả do các đợt mưa bão, lũ quét gây ra trên địa bàn.

Cùng với đó, thực hiện Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020, Yên Bái đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình nhằm giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH.

Ông Đỗ Hải Triều – Phó Trưởng Ban quản lý dự án Sở TN&MT tỉnh Yên Bái cho biết: Tỉnh Yên Bái đã và đang triển khai 2 dự án ứng phó với BĐKH, gồm: Dự án nâng cấp, gia cố hồ chứa nước xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn và Dự án đê chống ngập sông Hồng khu vực xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái.

Tới nay, dự án nâng cấp, gia cố hồ chứa nước xã Suối Giàng đã hoàn thành với mục tiêu đảm bảo an toàn công trình, chống sạt lở bồi lấp lòng hồ. Trữ nước tạo nguồn cấp nước cho 30ha lúa và cung cấp bổ sung nước sạch cho khoảng 300 người nhằm thích ứng BĐKH.

Hơn nữa, việc trồng rừng đầu nguồn tạo nguồn sinh thủy cho hồ nước, tăng độ che phủ, giữ đất chống xói mòn, giữ nước ngầm góp phần giảm bớt lũ lụt, hạn hán. Nâng cao đời sống kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân trong khu vực dự án. Tạo cảnh quan cho khu du lịch sinh thái Suối Giàng, huyện Văn Chấn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái.

Đối với dự án đê chống ngập sông Hồng khu vực xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái đang được triển khai sẽ khắc phục tình trạng lở bờ sông Hồng, chống ngập lụt, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân, ổn định sản xuất, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu các tác động tiêu cực do BĐKH gây ra. Hạn chế những thiệt hại do lũ lụt gây ảnh hưởng đến con người và cơ sở hạ tầng trong khu vực; chống lại sự xâm lấn của dòng sông, bảo vệ sự ổn định bền vững của bờ sông, chống ngập úng cho trên 600 ha đất lúa, hoa màu của gần 4.100 hộ dân.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, ý thức tự giác bảo vệ và giữ gìn tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với BĐKH của cộng đồng và doanh nghiệp chưa cao. Từ đó dẫn đến môi trường không khí, nước, đất ở một số khu vực đang bị ô nhiễm; đất đai tiếp tục bị suy thoái, chất lượng rừng tự nhiên, tính đa dạng sinh học trong các khu vực rừng trồng thấp. Công tác chủ động ứng phó BĐKH mới triển khai thực hiện bước đầu, chưa toàn diện, hiệu quả chưa cao. Chưa huy động được nhiều nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho công tác ứng phó BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Trong thời gian tới tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH, nâng cao nhận thức cho nhân dân. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Khuyến khích đầu tư cho các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để đổi mới công nghệ thay thế thiết bị lạc hậu, ứng dụng công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường nhằm giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH.

(Báo TN&MT)

CHỦ ĐỀ CỦA NĂM

LIÊN KẾT