Xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai: Chủ động giảm thiểu thiệt h
12:00 AM 15/10/2019 | Lượt xem: 345 In bài viết |Gây thiệt hại 1,5% GDP
Thiên tai tại Việt Nam đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng với những yếu tố hết sức cực đoan, bất thường đã gây ra những thiệt hại lớn về người và tài sản, hàng năm mất đi từ 1 - 1,5% GDP và làm trên 300 người chết và mất tích.
Theo tổng hợp của Tổng cục Phòng chống thiên tai - Bộ NN& PTNT, 10 năm qua, đã có hơn 3.600 người chết và mất tích do thiên tai, gây thiệt hại khoảng 288 nghìn tỷ đồng với các loại hình thiên tai thường gây thiệt hại gồm: bão, lũ, lũ quét, mưa lớn, ngập lụt, hạn hán và sạt lở đất.
Trong 5 năm gần đây, thiên tai xảy ra khó dự báo và có những diễn biến hết sức bất thường. Đầu năm 2016, khu vực ĐBSCL của Việt Nam trải qua đợt hạn hán lịch sử gây thiệt hại to lớn đến sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng triệu người. Đặc biệt năm 2017, Việt Nam đã chịu tác động với số lượng kỷ lục các cơn bão và áp thấp nhiệt đới, cùng với các trận mưa có cường độ cực lớn, chưa từng xảy ra tại một số khu vực miền núi, gây sạt lở đất và lũ quét kinh hoàng. Các cơn bão có xu hướng tác động vào những khu vực trước đây ít khi bị bão, nơi chính quyền và người dân thiếu kinh nghiệm, kỹ năng chống bão, dẫn đến tổn thất to lớn về người và tài sản.
Đâu là giải pháp?
Giám đốc Ngân hàng châu Á E-ric Sai-wick, một trong những đối tác tham gia Dự án giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại Việt Nam khẳng định: Thiên tai xảy ra tốc độ ngày càng tăng, sứ mệnh của chúng ta là hỗ trợ giúp đỡ giảm nhẹ rủi do thiên tai và hoạt động hiệu quả. ADB cam kết cùng các đối tác nỗ lực hết sức để hoạt động đạt hiệu quả, tránh tác động thực tế của thiên tai đến cuộc sống con người, xã hội đang hiện hữu tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đưa ra những giải pháp ứng phó để giảm nhẹ rủi ro thiên tai: Để có những giải pháp mang tính chất căn cơ, có thể chủ động sống chung với thiên tai, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, chúng ta phải thực hiện phương châm "chủ động phòng ngừa".
Để làm được điều này, các Bộ, ngành, địa phương phải coi nhiệm vụ giảm thiểu rủi ro thiên tai là một trong những nội dung quan trọng khi thực hiện lập và triển khai thực hiện chiến lược, chương trình, dự án của mình. Đối với cộng đồng và xã hội, từng khu vực một, các khối doanh nghiệp phải đưa vào trong chiến lược sản xuất kinh doanh của mình, từ đó, chủ động giảm thiểu thiệt hại.
Đối với toàn thể xã hội, hãy chọn sống chung một cách chủ động để từ đó mới giảm thiểu được thiệt hại.
(Báo TN&MT)