Thực hiện tiêu chí môi trường tại Sơn La: Còn nhiều khó khăn

12:00 AM 28/08/2019 |  Lượt xem: 153 |  In bài viết | 

Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La đã và đang duy trì phong trào Ngày về cơ sở xây dựng NTM vào thứ 7 hàng tuần, giúp người dân thực hiện tiêu chí môi trường.

Bộ mặt nông thôn mới nhiều khởi sắc…

Khu vực nông thôn huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, có 21 xã, trong đó có 08 xã đặc biệt khó khăn; tổng số 436 bản, tiểu khu, với 6 dân tộc anh em cùng sinh sống. Cùng với các tiêu chí khác, xuất phát điểm của tiêu chí số 17 về Môi trường trên địa bàn huyện còn thấp. Đến hết năm 2015, mới có 01/21 xã được đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tiêu chí môi trường) là xã Chiềng Ban, các xã còn lại theo đánh giá sơ bộ mới đạt 1- 3 chỉ tiêu trong tiêu chí môi trường.

Ông Nguyễn Thanh An, Trưởng phòng TN&MT huyện Mai Sơn cho biết: Để thực hiện tiêu chí môi trường đạt hiệu quả cao, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng TN&MT xây dựng kế hoạch, biểu mẫu hướng dẫn từng chỉ tiêu trong tiêu chí, phối hợp với các phòng ban, đơn vị liên quan, UBND các xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường nông thôn, nhằm từng bước thay đổi căn bản nhận thức, thói quen, tập quán của cộng đồng về sự cần thiết phải thực hiện tiêu chí môi trường.

Tổ chức 22 Hội nghị truyền thông, hướng dẫn công tác bảo vệ môi trường và lồng ghép nội dung chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM cho hơn 1.500 lượt người tham gia. Hỗ trợ 188 xe gom rác đẩy tay cho các xã thực hiện xã hội hóa công tác thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn.

Tiêu chí bảo vệ môi trường đã được gắn với gia đình văn hóa, đưa tiêu chí bảo vệ môi trường vào quy ước, hương ước của bản. Nhiều phong trào, mô hình về bảo vệ môi trường được duy trì có hiệu quả như: Vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, phong trào “5 không, 3 sạch” do Hội Phụ nữ làm nòng cốt; Ngày về cơ sở xây dựng nông thôn mới của Huyện ủy Mai Sơn...

Vận động các tầng lớp nhân dân trong xã trồng cây xanh bóng mát tại các trục đường chính và nơi công cộng; trồng hoa, cây cảnh trong các khu vực hội trường nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng; khơi thông cống, rãnh thoát nước các trục đường nội bản; hướng dẫn, phối hợp tuyên truyền vận động các hộ gia đình đào hố rác sinh hoạt. Qua đó, đã từng bước cải thiện chất lượng môi trường, thay đổi bộ mặt nông thôn tại nhiều địa phương.

Tại huyện Phù Yên, với xuất phát điểm là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, có 27 xã, thị trấn, 9 dân tộc anh em cùng chung sống, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường, Thái, huyện Phù Yên bắt tay vào công cuộc xây dựng nông thôn mới với rất nhiều khó khăn.

Để thực hiện tiêu chí môi trường, huyện Phù Yên đã lồng ghép công tác bảo vệ môi trường vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện giai đoạn 2010-2020; lựa chọn, xây dựng các mô hình NTM kiểu mẫu về cảnh quan môi trường, từ đó rút kinh nghiệm, nhân rộng trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh hướng dẫn nghiệp vụ và các nội dung xây dựng NTM kiểu mẫu về cảnh quan, môi trường.

Cụ thể, với từng hộ gia đình phải bảo đảm nhà cửa, khuôn viên gia đình, công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi được chỉnh trang tu sửa, làm đẹp; vườn tược được cải tạo thành vườn cây ăn quả hoặc vườn rau, vườn hoa – cây cảnh; giữ gìn cảnh quan môi trường trước, trong và xung quanh khuôn viên hộ gia đình thường xuyên sạch đẹp; có thùng rác 2 ngăn để phân loại rác từ nguồn chứa 02 loại rác riêng biệt, có điểm chôn lấp rác thải hữu cơ trong khuôn viên hộ gia đình; tích cực hưởng ứng, tham gia định kỳ phong trào vệ sinh môi trường của khối phố, bản hoặc xã, thị trấn. Với các khối phố, các bản phải xây dựng các tuyến đường kiểu mẫu “sáng – xanh – sạch – đẹp”, thường xuyên phát động và tổ chức làm tổng vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, kênh mương; bổ sung quy định bảo vệ cảnh quan môi trường trong hương ước của xã, bản.

Theo đánh giá của Sở TN&MT Sơn La: Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp chính quyền và người dân, kết quả thực hiện các chỉ tiêu của tiêu chí số 17 về môi trường của các xã cho thấy sự cải thiện rõ nét qua các năm, từng bước thực hiện theo kế hoạch đề ra. Chương trình đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, lôi cuốn người dân chủ động tham gia thực hiện xây dựng NTM. Hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, là điều kiện tích cực, thuận lợi để thực hiện các chỉ tiêu về môi trường, xây dựng NTM đã trở thành phong trào rộng khắp.

Trong số các tiêu chí số 17 thuộc phạm vi theo dõi giám sát, chỉ đạo thực hiện của Sở TN&MT, chỉ tiêu số 17.2 (cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường) và 17.5 (chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định) được coi là 2 nội dung then chốt, nhiều thách thức trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, bằng nhiều hình thức, Sở đã phối kết hợp với UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã vận động, khuyến khích người dân tích cực tham gia vào công tác quản lý, giám sát các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, giám sát việc xử lý chất thải và phát thải; đồng thời, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường.

Nhờ đó, tình hình thu gom, xử lý rác thải nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm. Đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 12/12 huyện, thành phố đã xây dựng Đề án thu gom chất thải và xử lý rác thải sinh hoạt; 12/12 huyện, thành phố đã có các đơn vị thực hiện thu gom, vận chuyển xử lý rác thải; có 12 bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt tại 12 huyện, thành phố.

Bên cạnh đó, với đặc trưng là một tỉnh miền núi, với lợi thế về diện tích đất lâm nghiệp, việc đẩy mạnh trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, tạo môi trường trong lành và cảnh quan xanh - sạch - đẹp được quan tâm nhằm thực hiện tốt tiêu chí số 17.3 - không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp.

Tỷ lệ xã đạt chuẩn môi trường vẫn thấp

Tuy nhiên, tới hết năm 2018, trong số 188 xã triển khai xây dựng NTM, toàn tỉnh mới có 34 xã đạt tiêu chí số 17, chiếm 18,08%. Huyện Mai Sơn có 04/21 xã đạt chuẩn tiêu chí 17, huyện Phù Yên có 03/26 xã, huyện Thuận Châu có 01/28 xã, huyện Sông Mã có 01/18 xã…

Nguyên nhân của tình trạng trên có rất nhiều. Trong đó, do các chỉ tiêu về môi trường vẫn mang tính chất tương đối, chưa cụ thể về khối lượng, dẫn đến việc khó xác định, đánh giá. Cũng do đó mà việc thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường còn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Sự chỉ đạo của lãnh đạo các cấp chính quyền trong vấn đề quản lý, bảo vệ môi trường nông thôn còn chưa thực sự quyết liệt. Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, đặc biệt ở các xã ven đô gây ra nhiều áp lực đối với môi trường.

Nguồn nội lực dành cho công tác thu gom, xử lý rác thải ở các địa phương còn hạn chế, do đời sống người dân còn khó khăn, kinh phí từ nguồn đóng góp của người dân không đảm bảo để duy trì mạng lưới thu gom. Ý thức của người dân trong việc tự giác khắc phục khó khăn của địa bàn dân cư, lên kế hoạch, thực hiện việc thu gom và xử lý rác thải đúng quy định còn thấp (việc ủng hộ thành lập ban thu gom, chở rác, nộp phí định kỳ, ý thức giữ vệ sinh môi trường...). Tình trạng lén lút thải rác bừa bãi nơi công cộng, ven đường… còn diễn ra và khó xử lý.

Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ tại nhiều xã phần lớn đều có quy mô nhỏ, nằm phân tán, chưa chú trọng đầu tư hệ thống xử lý môi trường. Một số xã đã thành lập Hợp tác xã vệ sinh môi trường, tổ, đội thu gom rác thải nhưng hoạt động không thường xuyên, việc thu gom rác chưa kịp thời, dẫn đến tình trạng ứ đọng rác trong khu dân cư vẫn diễn ra…

Năm 2019, tỉnh Sơn La đang phấn đấu có thêm 14 xã đạt chuẩn NTM, tương ứng có thêm 14 xã đạt chuẩn về tiêu chí môi trường. Hiện Sở TN&MT đang tập trung đôn đốc, hướng dẫn các xã trên hoàn thành tiêu chí môi trường.

Để thực hiện tốt các chỉ tiêu môi trường trong giai đoạn mới, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân. Phát triển và nhân rộng các mô hình đường hoa - cây xanh - điện thắp sáng, huy động xã hội hóa để xây dựng và thí điểm các mô hình tổ bản, tiểu khu bảo vệ môi trường, phát động các phong trào làm sạch đường làng ngõ xóm; nhân rộng mô hình “Ngày về với cơ sở”...

Phát động, hướng dẫn nhân dân khắc phục ô nhiễm nơi sinh hoạt do thói quen, tập quán như: làm nhà tiêu, hố rác, chuồng trại chăn nuôi xa nhà ở, không để ở gầm sàn, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy cách, bảo vệ tài nguyên đất và rừng trong sản xuất. Cải tạo nhà ở, khuôn viên, tường rào cây xanh, tạo cảnh quan gia đình, bản làng xanh - sạch - đẹp. Vận động nhân dân di dời trâu bò, gia súc ra khỏi gầm sàn. Thực hiện việc thu gom rác thải rắn ở nông thôn theo quy định

Sở TN&MT Sơn La kiến nghị Bộ TN&MT đề xuất với Chính phủ tăng tỷ lệ % ngân sách dành cho sự nghiệp môi trường đảm bảo mức 2% tổng chi ngân sách nhà nước trong dự toán ngân sách hàng năm. Ban hành cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn hoạt sinh hoạt tập trung theo hướng giảm thiểu lượng rác chôn lấp. Ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí cho những hộ thuộc diện nghèo, hộ đặc biệt khó khăn trong việc xây dựng nhà vệ sinh, nhà tắm, hệ thống thoát nước thải hợp vệ sinh.

(Báo TN&MT)

CHỦ ĐỀ CỦA NĂM

LIÊN KẾT