Thiên tai ở các tỉnh Bắc Trung bộ: Ám ảnh lũ quét, sạt lở đất ở vùng cao
12:00 AM 23/08/2019 | Lượt xem: 229 In bài viết |Lũ quét và sạt lở đất là những hiểm họa thiên tai mà khi nhắc đến người dân các huyện miền núi ở các tỉnh Bắc Trung bộ không khỏi lo lắng. Nhất là tại 11 huyện Miền núi Thanh Hóa và 10 huyện Miền núi Nghệ An. Trong khi mùa mưa bão năm 2019 đang đến gần, những nỗi lo của người dân lại hiện về…
Ám ảnh lũ quét
Liên tục nhiều năm trở lại đây, các huyện miền núi cao của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đã xảy ra những trận lũ ống, lũ quét, sạt lở đất với sức tàn phá mạnh, gây ra không ít thiệt hại cho người dân và ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội chung tại các địa phương này.
Theo số liệu từ Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh có 11 huyện nằm trong vùng có nguy cơ lũ quét, lũ ống, sạt lở đất đó là: Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong. Từ năm 2007 đến nay, hầu như năm nào ở các huyện này đều xảy ra các đợt lũ ống, lũ quét và sạt lở đất khiến hàng chục người chết và thiệt hại chung đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng.
Nhớ lại trận lũ quét kinh hoàng xảy ra gần 12 năm trước ở địa phương, ông Sầm Văn Thành - Chủ tịch UBND xã Nậm Giải (huyện Quế Phong), vẫn còn hoang mang: “Thật khủng khiếp, chỉ trong chốc lát trận lũ quét lịch sử đã cướp đi sinh mạng của 17 người dân ở hai bản Pục và bản Méo cùng hàng trăm ngôi nhà, trường học…”.
Còn ông Vi Văn Khiêm – Chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh (huyện Tương Dương) cũng không khỏi lo lắng khi nhắc lại chuyện xảy ra đúng 10 năm trước ở xã này: “Đêm 26/5/2009, một trận lũ quét kinh hoàng đã quét qua một số nhà dân ở bản Pa Tý. Tai họa khủng khiếp đã cướp đi sinh mạng của 5 người dân ở bản này. Từ đó đến nay hầu như năm nào xã Yên Tĩnh cũng xảy ra lũ quét. Mới đây nhất là vào tháng 9/2018 trên địa bàn xã chúng tôi cũng xảy ra trận lũ quét khiến hàng chục ngôi nhà bị hư hại, điểm trường THCS Yên Tĩnh bị ngập trong bùn đất nhưng rất may lần ấy không có thiệt hại về người”.
Còn năm 2017 lũ quét đã quét qua bản Nhãn Cù, Nhãn Lỳ, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn. Trận lũ làm cuốn trôi Trường Mầm non Tà cạ và nhà của 11 hộ dân, đường sá bị chia cắt hoàn toàn. Rất may là không có thiệt hại về người. Trong đợt mưa lũ tháng 8 và tháng 9/2018, hiện tượng sạt ở núi tại Khối 4, thị trấn Mường Xén cũng đã khiến cho 20 ngôi nhà của người dân bị vùi lấp, sập và hư hại.
Tại tỉnh Thanh Hóa, trận mưa lớn lịch sử cuối tháng 8 đầu tháng 9/2018 đã làm cho nhiều huyện miền núi bị cô lập, hàng nghìn ngôi nhà của dân, nhiều Trường học, Trạm Y tế tại các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa…bị đổ sập. Đặc biệt, QL 15C tuyến giao thông huyết mạch nối huyện Mường Lát với các huyện miền xuôi đã bị đất đá vùi lấp hoàn toàn. Hậu quả gây ra hết sức nặng nề, khiến 14 người chết và mất tích do mưa lũ; phá hủy hoàn toàn 277 căn nhà, hơn 239 căn bị hư hỏng nặng; 12.500 căn bị ngập trong nước; 34 điểm trường bị ngập và phá hủy do sạt lở đất; gây sạt lở tại nhiều tuyến quốc lộ, hàng chục nghìn hộ dân rơi vào tình cảnh mất nhà và bị chia cắt, nhiều trường học bị phá hủy nặng nề. Tổng thiệt hại ước tính gần 2.000 tỷ đồng.
Anh Lò Văn Sài xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát bồi hồi nhớ lại cơn lũ lịch sử cuối năm 2018: “Hôm đó trời tối đen như mực, tôi đang ngủ trong nhà, thì nghe tiếng í ới của bà con trong Bản, chạy ra ngoài thì đất đá tràn khắp trong Bản, một lúc sau thì bùn đất tràn cả vào nhà, lúc đó tôi chỉ kịp chạy vào nhà kéo vợ con ra ngoài, bao nhiêu tài sản công sức tích góp từ bấy lâu nay đã bị vùi sâu trong đất”.
Cá biệt, tại xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy đã xuất hiện vết nứt kéo dài hàng trăm mét có đường kính từ 15-30 cm tại đồi Mun, buộc UBND tỉnh Thanh Hóa đã di dời 10 hộ dân về xã Cẩm Liên để đảm bảo an toàn tính mạng
Hàng trăm hộ dân phải di dời khẩn cấp
Được biết, huyện Kỳ Sơn có hàng trăm hộ dân ở các xã Mường Típ, Mường Ải, Mỹ Lý và khối 4, thị trấn Mường Xén thuộc diện buộc phải di dời khẩn cấp. Sau đợt mưa lũ tháng 8,9/2018, huyện có nhiều hộ dân ở trong tình trạng “báo động đỏ” có nguy cơ lũ quét và đặc biệt là nguy cơ sạt lở đất nhất.
Cụ thể tại xã Mỹ Lý có 99 hộ dân phải di dời, trong đó có 50 hộ di dời tập trung, 30 hộ di dời tại chỗ và 19 hộ di dời xen ghép. Tại xã Mường Típ có tới 5 bản với 260 hộ cần phải di dời, trong đó bản Xốp Phe 73 hộ với 351 nhân khẩu, bản Xốp Típ 30 hộ với 178 nhân khẩu, bản Na Mỳ có 58 hộ với 327 nhân khẩu, bản Huồi Khí có 38 hộ với 230 nhân khẩu, bản Vàng Pao có 66 hộ với 357 nhân khẩu.
Tại bản Xốp Phong (xã Mường Ải) có 28 hộ với 181 nhân khẩu cần phải di dời khẩn cấp. Tại khối 4 (thị trấn Mường Xén) có 2 nhà bị sập và cuốn trôi, 11 nhà bị hư hại trên 70% nên hiện nay các hộ dân này cũng đã được di dời khẩn cấp.
Đặc biệt, nguy cấp nhất là tại bản Vàng Pao (xã Mường Típ) bởi theo khảo sát của đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Kỳ Sơn thì vết nứt ở quả núi nằm phía trên bản có chiều dài hơn 100m, có chỗ rộng tới 1,5m.
Nhiều thời điểm nghi có tiếng nổ trong lòng núi, người dân không dám ngủ ở bản ban đêm mà phải đi ở nhờ, đây là khu vực cực kỳ nguy hiểm nên UBND huyện đã khuyến cáo người dân không ở lại ban đêm và phải di dời đi nơi khác nếu có mưa. Và hiện nay thì bản này đã buộc phải di dời đến nơi ở tạm, tránh nguy hiểm về tính mạng và tài sản cho người dân.
Đặc biệt, phía dưới quả núi này có 1 điểm trường tiểu học với 380 học sinh đang học. Huyện Kỳ Sơn đã khảo sát, làm các kiến nghị khẩn cấp gửi lên tỉnh Nghệ An đề nghị có phương án xử lý sớm đối với điểm sạt lở ở Vàng Pao.
Tại huyện Tương Dương, có 34 hộ dân thuộc hai bản Lạ và Minh Phương, xã Lượng Minh có nguy cơ bị sạt lở, sụt lún nhà cửa được UBND tỉnh Nghệ An đưa vào dự án “Di dời khẩn cấp 34 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất”. Thế nhưng, đến nay, dự án chưa thực hiện, các hộ dân vẫn nơm nớp lo sợ qua ngày.
Cũng tại huyện Tương Dương có 2 bản Phà Kháo và Piềng Cọc, xã Mai Sơn cũng đang có hiện tượng nứt đất. Cá biệt, có vết nứt kéo dài đến gần 1km chảy dài qua bản làng và 2 điểm trường học là Tiểu học và Mầm non Phà Kháo. Trước tình hình trên, UBND huyện Tương Dương đã tiến hành di dời khẩn cấp 9 hộ dân nơi đây và di dời hai điểm trường học này đến học tạm tại nhà văn hóa và làm trường tạm bằng tre nứa tại sân vận động.
Trước hậu quả nặng nề do mưa, lũ gây ra, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị Trung ương hỗ trợ 1.000 tấn gạo để cứu đói cho nhân dân vùng lũ; hỗ trợ 900 tỷ đồng để khắc phục, xử lý cấp bách các công trình thủy lợi, giao thông, giáo dục.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa, cho thấy: 575/575 ngôi nhà bị thiệt hại <50% đã hoàn thành việc tu sửa; 631/704 ngôi nhà bị thiệt hại >505; di dời khẩn cấp nhà bị sập hoàn toàn 214/233 hộ (huyện Mường Lát 102/104, Quan Sơn 3/3, Quan Hóa 101/118, Bá Thước 5/5, Cẩm Thủy 3/3); di dời khẩn cấp 198/239 hộ (huyện Mường Lát 55/55, Quan Sơn 8/8, Quan Hóa 128/169, Bá Thước 7/7); khắc phục 219/232 nhà bị thiệt hại 50-70% (huyện Mường Lát 92/105, Quan Sơn 15/15, Quan Hóa 73/73, Cẩm Thủy 39/39).
Ông Phan Sỹ Thắng, CVP UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Huyện có rất nhiều điểm có nguy cơ lũ quét lũ ống, lũ quét và sạt lở đất nên cứ vào khoảng tháng 4 hàng năm là huyện đã theo dõi chặt chẽ, chỉ đạo các xã phân công cán bộ huyện tỏa về các điểm để chỉ đạo, chuẩn bị những phương án xử lý từng tình huống cụ thể. Khi mưa lũ xảy ra, những điểm có nguy cơ cao thì kiên quyết thực hiện các biện pháp sơ tán dân đến nơi an toàn. Ngoài ra những nơi có nguy cơ sạt trượt cao thì sắp tới chúng tôi có phương án khắc phục như tại Khối 4, thị trấn Mường Xén hiện nay công tác khắc phục đang được triển khai gấp rút nhưng nguồn vốn đang quá ít nên chưa biết khi nào sẽ xong.
Ông Nguyễn Hữu Nhung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An, cho biết: “Lũ ống, lũ quét, sạt lở đất thường xảy ra bất ngờ và gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Hàng năm có nhiều bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ với diễn biến thường rất phức tạp. Vì vậy, vấn đề phòng tránh lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở các huyện vùng núi cao cần được triển khai thường xuyên, kịp thời đến từng thôn, bản và hộ dân.
Về lâu dài, cần ưu tiên bố trí vốn để hỗ trợ cho các địa phương đầu tư sửa chữa, xây dựng các công trình đê, kè, tường chắn lũ, sạt lở; hoàn thành sớm kế hoạch di dời, sắp xếp ổn định đời sống nhân dân vùng thường xuyên xảy ra thiên tai và vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; đảm bảo đời sống và sản xuất; hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra ở các huyện miền núi – nhất là các huyện vùng cao”.
(Báo TN&MT)