Tây Nguyên: Nhiều địa phương thiếu nước phục vụ sản xuất

02:08 PM 25/12/2017 |  Lượt xem: 512 |  In bài viết | 

Nông dân xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà (Kon Tum) rầu rĩ vì vườn cà phê không có nước tưới

Nông dân điêu đứng

Trong ánh nắng gay gắt như thiêu đốt da thịt, vợ chồng anh Trần Anh Tuấn, người trồng cà phê ở thôn Hải Nguyên, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) vẫn nhẫn nại gánh từng thùng nước tưới cho rẫy cà phê rộng lớn, trong đó có nhiều cây đã bị úa, lá vàng rụng vương vãi. Biết việc làm của mình “như muối bỏ biển” trước vườn cà phê đang bị “hành hạ” bởi những cơn khát, nhưng vợ chồng anh vẫn cố vì không đành lòng nhìn công sức, tài sản của mình “đội nón ra đi”. Trong thời gian qua, vợ chồng, con cái của anh liên tục túc trực ngoài rẫy, tìm nguồn nước tưới cho vườn cà phê đang thời kỳ ra hoa. Anh Tuấn bức xúc cho biết: “Thời gian qua, gia đình tôi ngày nào cũng ở rẫy chờ nước, nhưng đến nay gần 2 hecta cà phê của gia đình vẫn chưa đủ nước tưới do mực nước ở cuối kênh quá thấp; trong khi hàng chục máy bơm xếp hàng thi nhau hút nên chỉ tưới được khoảng 10 đến 15 phút, kênh đã cạn khô...”.

Không riêng gì gia đình anh Tuấn mà nhiều nông hộ trồng cà phê ở Kon Tum cũng đang lâm vào cảnh “sống dở, chết dở”, do thiếu nước tưới. Anh Nguyễn Văn Vĩnh, ở thôn 4, xã Hà Mòn (huyện Đăk Hà), người có vườn cà phê hơn 1 hecta đang bị héo úa, cháy đen, buồn bã cho biết: “Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, mỗi năm số diện tích này thu nhập khoảng 22 tấn tươi. Năm nay, cà phê bung hoa sớm lại thiếu nước tưới như thế này, chắc chắn năng suất sẽ sụt giảm”. Vì sợ năng suất cây trồng sụt giảm và không đành lòng nhìn cây trồng héo úa, anh đã cố gắng kéo ống bơm nước từ lòng hồ thủy điện Plei Krông dẫn nước tưới cây. Tuy nhiên, do khoảng cách đặt máy bơm đến vườn cà phê quá xa (cách vườn cà phê cả ngàn mét), công suất máy không tải nỗi nên làm vỡ đường ống nước, khiến vườn cà phê bị khô cháy. Một số gia đình bơm được ít nước để tưới thì phải “cõng” khoản kinh phí cao gấp 5- 6 lần...

Đối với bà con nông dân ở thị xã An Khê - cửa ngõ phía đông của tỉnh Gia Lai, tình hình cũng không khá hơn là mấy. Mọi năm, ở thời điểm này, thị xã An Khê đã hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành tiến độ gieo trồng vụ Đông Xuân 2015 - 2016. Vậy mà vụ này, thị xã mới chỉ gieo trồng được trên 2.700 hecta cây trồng các loại (chỉ đạt khoảng 69% kế hoạch). Nguyên nhân tiến độ gieo trồng không đạt kế hoạch, không phải là do thiếu giống, thiếu đất…, mà là do thiếu mưa. Năm 2016 mưa đến muộn, lượng mưa lại thấp hơn so với cùng kỳ mọi năm nên bà con nông dân không dám xuống giống. Đứng trước cánh đồng lưa thưa vài đám rau xanh, bà Nguyễn Thị Thu Tâm, người trồng rau ở xã Song An, thị xã An Khê (Gia Lai) chia sẻ: “Không như mọi năm, tới thời điểm này, tôi chỉ mới gieo trồng được 40% diện tích thôi. Thời tiết khô hanh kéo dài thế này, rau nào mà sống được. Để đất bỏ không thì cũng tiếc, mà xuống giống rồi thì “đứng ngồi không yên”. Vì vậy, tôi chỉ gieo cầm chừng, đợi thêm một thời gian nữa xem thời tiết thế nào mới quyết định có nên tiếp tục xuống giống hay không. Thà chậm một chút mà chắc, chứ liều lĩnh xuống giống bây giờ, nếu trời không có mưa thì sẽ mất công, mất của”. Cách làm của bà Tâm cũng là kinh nghiệm chung của hầu hết bà con nông dân ở vùng cửa ngõ khu vực Bắc Tây Nguyên này để đối phó với tình hình khô hạn.

Nỗi lo “bà hỏa”

Đã nhiều ngày trôi qua nhưng người dân ở xã Tơ Tung, huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) vẫn không quên hình ảnh những cánh đồng mía bốc cháy ngùn ngụt. Xảy ra vào khoảng 8 giờ sáng ngày 18-2-2013 nhưng đến đầu giờ chiều, đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn, trước khi “kịp thời” thiêu rụi khoảng 20 hecta mía đang thời kỳ thu hoạch. Có ít nhất 8 gia đình chịu thiệt hại trong vụ cháy mía này, trong đó hộ nhiều nhất là 4 hecta và hộ ít nhất là 5 sào. Người dân địa phương nhận định, khả năng nguyên nhân xảy ra nạn cháy mía là do thời gian qua trên địa bàn huyện thời tiết khô hanh kéo dài, làm cho các diện tích mía đứng đồng bị khô hết lá; cộng thêm vào thời điểm xảy ra cháy trời đang có gió to, nên ngọn lửa bùng phát rất nhanh và không thể kiểm soát được.

Trong nỗi buồn vì bị “bà hỏa” viếng thăm, chị Vũ Thị Huệ - người trồng mía ở làng Đồng Tâm, xã Tơ Tung (huyện Kbang), nói như mếu: “Để đầu tư cho ruộng mía, vợ chồng tôi đã bỏ ra hơn 50 triệu đồng mua phân bón, còn thuốc diệt cỏ là 50 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc suốt năm trời của cả gia đình. Nhìn tài sản chìm trong biển lửa, tôi rất đau lòng. Hiện tại, tôi đã huy động nhân công chặt đốn kịp thời đám mía cháy để bán cho Nhà máy đường An Khê (thuộc Công ty CP mía đường Quảng Ngãi) mong vớt vát lại chút đỉnh”. Theo tính toán ban đầu của chị Huệ, số mía bị cháy làm năng suất giảm khoảng 10%; chưa tính việc nhà máy trừ tạp chất cao hơn rất nhiều so với mía không bị cháy từ 3 – 5%. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của những hộ trồng mía không may mắn.

Trước đó, vào ngày 8-2, ở xã Đông (huyện Kbang) cũng đã xảy ra cháy mía làm thiệt hại 5 sào. Hiện tại, trên địa bàn huyện Kbang còn gần 6.000 hecta mía đang đứng đồng và lá mía đã khô hết. Hầu như năm nào Kbang cũng xảy ra cháy mía, gây thiệt hại lớn cho người nông dân.

 Hiện tại, khu vực Tây Nguyên nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng đang vào giữa mùa khô, thời tiết khô hanh. Tại vùng Đông Nam tỉnh Gia Lai có rất nhiều ruộng mía khô đang chờ các nhà máy đường thu mua nên rất dễ cháy. Theo Ban Giám đốc Nhà máy đường Ayun Pa (thuộc Công ty CP Mía đường - Nhiệt điện Gia Lai), từ Tết Nguyên đán đến nay, tại các huyện, thị xã phía Đông Nam tỉnh đã xảy ra nhiều vụ cháy, gây thiệt hại hơn 200 hecta mía đang chờ thu hoạch. Chỉ tính trong ngày 11-2 vừa qua, tại các các ruộng mía của nông dân ở các làng Kliêt, Klă thuộc xã Pờ Tó, huyện Ia Pa (Gia Lai) đã xảy ra 2 vụ cháy lớn (trên 10 hecta mía), ước thiệt hại khoảng 150 triệu đồng. Trong đó bị thiệt hại nặng nhất là gia đình ông Nguyễn Văn Tĩnh, với 5,3 heacta; ông Đặng Văn Tuấn 2,9 hecta, bà Phạm Thị Hằng 1,6 hecta mía... Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Chí Hiếu, Trưởng phòng Phát triển nguyên liệu và Đầu tư thu mua của Công ty CP Mía đường - Nhiệt điện Gia Lai, cho biết: “Thời điểm này, thời tiết khô hanh, ruộng mía khô, do vậy rất dễ cháy, dù là một tàn lửa nhỏ nhất rơi xuống đồng mía. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng mía cháy, Công ty đã có văn bản đề nghị các đơn vị hợp đồng tiếp tục phối hợp cùng chủ ruộng thường xuyên theo dõi. Về lịch đốn, Công ty sẽ thực hiện theo lịch và sẽ đốn trước những ruộng có diện tích rộng tạo hành lang chống cháy”.

Ngoài tình trạng thiếu nước tưới và mía cháy trên diện rộng, các tỉnh Tây Nguyên cũng đang đứng trước “báo động đỏ” về nạn cháy rừng. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có hơn 120 khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao, trong đó 50 điểm là rừng vô chủ do cấp xã quản lý. Trong khi đó, năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng của chính quyền các cấp chưa đáp ứng được yêu cầu do thiếu kinh phí. Mùa khô năm 2013, Gia Lai đã xảy ra 4 vụ cháy rừng, gây thiệt hại hơn 400 hecta rừng. Tỉnh Kon Tum hiện có 40.000 hecta rừng trồng dễ cháy, trong khi công tác phòng, chống cháy rừng cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Cứ vào quãng tháng 3, “mùa con ong đi lấy mật”, thì các cánh rừng ở hai tỉnh này cứ ngùn ngụt cháy, trong tình trạng không kiểm soát được…

Mùa khô ở Tây Nguyên vẫn còn tiếp diễn, kéo theo nhiều nỗi khó khăn và lo lắng của người dân và chính quyền địa phương. Hạn hán, cạn kiệt ngày một gay gắt, khó lường và sẽ thường trực trong đời sống, sản xuất của người dân Tây Nguyên qua mỗi năm. Nếu không có những biện pháp khắc phục khô hạn kịp thời và hiệu quả, sự phát triển về kinh tế - xã hội của vùng cao nguyên này tất yếu sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

CHỦ ĐỀ CỦA NĂM

LIÊN KẾT