Sơn La nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sơ chế cà phê
12:00 AM 24/09/2019 | Lượt xem: 321 In bài viết |Việc sơ chế, chế biến cà phê là một trong những nhân tố chính gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố và huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Do đó, trước, trong và sau các niên vụ cà phê, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước.
Hiện nay, diện tích trồng cà phê trên địa bàn tỉnh Sơn La đạt khoảng 17.000ha, chủ yếu tập trung tại huyện Thuận Châu, Mai Sơn và TP. Sơn La… Ngoài những cơ sở sơ chế, chế biến lớn, trên địa bàn các huyện có nhiều cơ sở nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, cá nhân. Hầu hết, các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản quy mô hộ gia đình không xây dựng công trình xử lý nước thải hoặc có nhưng không đảm bảo quy định về môi trường.
Theo rà soát sơ bộ của huyện Thuận Châu, trên địa bàn huyện có 7 cơ sở sơ chế, chế biến nông sản lớn, trong đó, chỉ có 2 cơ sở có giấy tờ về môi trường. Triển khai phòng ngừa ô nhiễm môi trường, Ban Thường vụ Huyện ủy Thuận Châu đã có Kết luận số 2373-TB/HU về việc tăng cường công tác quản lý môi trường với các tổ chức, cá nhân sản xuất sơ chế, chế biến nông sản trên địa bàn huyện. Trên cơ sở đó, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 210/KH-UBND, nhằm triển khai công tác bảo vệ môi trường với các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản trên toàn huyện, tập trung vào các xã có cơ sở sơ chế, chế biến cà phê tại 6 xã gồm: Bon Phặng, Muổi Nọi, Noong Lay, Tông Lạnh, Chiềng Pha, Phổng Lái.
Ông Tạ Đăng Hải, Trưởng Phòng TN&MT huyện Thuận Châu cho biết: Thực hiện kế hoạch của huyện, Phòng TN&MT đã phối hợp với Sở TN&MT mở 1 hội nghị tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường và biện pháp xử lý chất thải trong sơ chế nông sản cho các chủ cơ sở sơ chế, chế biến nông sản trên địa bàn huyện. Dự kiến trong tháng 10, sẽ tiếp tục mở 1 hội nghị tuyên truyền cấp huyện, tập trung vào các bước xử lý vi phạm trong lĩnh vực TN&MT, chú trọng thống nhất các phương án giải quyết vi phạm trong sơ chế nông sản (cà phê, tinh bột sắn).
Đồng thời, huyện đã giao các xã rà soát quy mô các hộ, phân loại đối tượng các cơ sở sơ chế, chế biến cà phê. Thành lập Tổ kiểm tra công tác thực hiện phòng ngừa, phát hiện ngăn chặn và xử lý ô nhiễm môi trường với các cơ sở sơ chế, chế biến cà phê trên địa bàn huyện. Thời gian kiểm tra tập trung từ nay tới tháng 2/2020. Kiên quyết không để các trường hợp chưa có biện pháp xử lý chất thải được hoạt động.
Còn tại huyện Mai Sơn, qua rà soát, có khoảng hơn 350 hộ sơ chế cà phê, trong đó, có 72 hộ thu mua cà phê về sơ chế, còn lại là sơ chế cà phê của gia đình. Với vỏ cà phê, các hộ tận dụng để làm phân bón cho cây trồng. Đối với nước thải sơ chế cà phê, có 1 hộ xử lý bằng công nghệ của Viện khoa học Bộ Nông nghiệp; 16 hộ đào hố lót bạt, sau đó, bơm tưới cho cây trồng; 52 hộ đào hố chứa tạm, dẫn ra rãnh thoát nước chung; 290 hộ đào hố đất chứa tạm, dẫn ra vườn cây.
Để chủ động bảo vệ môi trường trong niên vụ cà phê năm nay, Phòng TN&MT Mai Sơn đã phối hợp với Sở TN&MT mở 2 hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn công tác bảo vệ môi trường và biện pháp xử lý chất thải trong sơ chế nông sản quy mô cụm xã; thành lập đoàn liên ngành thực hiện phòng ngừa, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý với các cơ sở sơ chế, chế biến cà phê trên địa bàn huyện. Phạm vi thực hiện tập trung tại 5 xã: Chiềng Mung, Chiềng Ban, Chiềng Mai, Chiềng Chung và Mường Chanh. UBND huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị báo cáo trước ngày 15 hàng tháng thời điểm trước niên vụ; thời điểm trong niên vụ sản xuất, từ tháng 9/2019 - 2/2020, báo cáo vào thứ 6 hàng tuần.
Được biết, từ năm 2012 trở lại đây, hoạt động sơ chế, chế biến cà phê tại khu vực đầu nguồn nước cấp cho Nhà máy nước TP. Sơn La diễn biến rất phức tạp, nhiều lần gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước. Đặc biệt, năm 2017, đã xảy ra ô nhiễm nguồn nước hơn 20 lần. Nghiêm trọng nhất, máy nước số 1 TP. Sơn La đã phải dừng sản xuất 10 ngày liên tiếp, từ 4 - 14/11/2017, do việc xả nước thải, chất thải của các cơ sở, hộ gia đình chế biến cà phê quả tươi chủ yếu bằng phương pháp ướt trực tiếp ra môi trường, gây mất nước trực tiếp cho khoảng 12.000 hộ dân, tạo bức xúc trong nhân dân.
Trước thực trạng trên, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phòng ngừa, ứng phó, ngăn chặn hành vi gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước; thiết lập vùng bảo hộ vệ sinh và hành lang bảo vệ nguồn nước làm căn cứ xây dựng quy định về sản xuất, kinh doanh, chế biến gắn với bảo vệ môi trường, nguồn nước, nhất là khu vực đầu nguồn nước hang Thẳm Tát Tòng, suối Nậm La và Nậm Pàn.
Ngày 2/10/2018, tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định 2415/QĐ-UBND ngày 2/10/2018 của UBND tỉnh Sơn La, phê duyệt Dự án lập phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt đối với Nhà máy cấp nước số 1, số 2 TP. Sơn La (nguồn nước hang Thẳm Tát Tòng, suối Nậm La) và Nhà máy cấp nước Mai Sơn (nguồn nước suối Nậm Pàn). Theo đó, phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt của Nhà máy cấp nước số 1, số 2 TP. Sơn La và Nhà máy cấp nước Mai Sơn có tổng chiều dài đường biên là 217,6km, nằm trên địa bàn 10 xã của TP. Sơn La; 4 xã của huyện Thuận Châu và 8 xã, thị trấn của huyện Mai Sơn. Diện tích vùng ô nhiễm nặng là 128,94km2, được giới hạn bởi 504 mốc hành lang bảo vệ. Diện tích vùng ô nhiễm là 118,71km2, được giới hạn bởi 589 mốc hành lang bảo vệ.
Song song đó, trong năm 2018, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều biện pháp trước, trong và sau niên vụ cà phê, nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý ô nhiễm do chế biến cà phê tại lưu vực đầu nguồn nước, đảm bảo cấp nước an toàn trên địa bàn, bảo vệ môi trường. Nhờ đó, tình trạng ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt do chế biến cà phê đã cơ bản được ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng ngừng cấp nước sinh hoạt kéo dài như các năm trước đây.
Trong năm 2019, tiếp tục chủ động phòng ngừa, bảo vệ môi trường, nguồn nước, Sở TN&MT Sơn La đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Công văn số 1539/UBND-KT về tăng cường công tác quản lý môi trường với các tổ chức, cá nhân sản xuất sơ chế, chế biến nông sản năm 2019. Sở TN&MT đã ban hành Công văn 538/STNMT-QLMT, đề nghị UBND các huyện Thuận Châu, Mai Sơn và thành phố thống kê, lập danh sách các cơ sở sơ chế, chế biến cà phê thuộc địa bàn quản lý; đề xuất các biện pháp, giải pháp quản lý, kiểm soát ô nhiễm với các cơ sở này; ban hành Kế hoạch số 666/KH-STNMT về tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, hướng dẫn công tác bảo vệ môi trường cho các hộ sơ chế cà phê trên địa bàn tỉnh…
Ông Đỗ Văn Trụ, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La cho biết: Niên vụ cà phê 2019 - 2020, với các cơ sở lớn, Sở TN&MT đã thành lập Đoàn kiểm tra, rà soát các công trình đầu tư xây dựng về bảo vệ môi trường và vận hành thử nghiệm, nếu không đáp ứng yêu cầu chất lượng nước thải theo tiêu chuẩn kiên quyết không được hoạt động.
Với các hộ nhỏ lẻ, Sở TN&MT đã họp liên ngành với Sở NN&PTNT, Sở KH&CN, Sở Công Thương, Sở Xây dựng để tháo gỡ khó khăn cho các hộ. Sau khi xem xét đặc thù của Sơn La, Sở TN&MT ban hành Hướng dẫn số 204/HD-STNMT về quy trình ủ vỏ cà phê làm phân hữu cơ và xử lý nước thải sơ chế cà phê theo hướng tái sử dụng chất thải với cơ sở sơ chế cà phê quy mô hộ gia đình. Hướng dẫn này chỉ áp dụng ở các vùng không gây tác động đến nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Còn các hộ nằm trên lưu vực đầu nguồn nước sinh hoạt, phải thực hiện nghiêm ngặt theo quy định tại Quyết định số 2415/QĐ-UBND ngày 2/10/2018.
Thời gian tới, tỉnh Sơn La tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân; hướng dẫn các cơ sở khẩn trương hoàn thiện các công trình xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, không chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước. Với quyết tâm cao độ, tỉnh Sơn La phấn đấu niên vụ cà phê 2019 - 2020 kiên quyết không để tái diễn sự cố ngừng cấp nước, ô nhiễm môi trường do hoạt động sơ chế, chế biến cà phê.
(Báo TN&MT)