Quản lý rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu: Khu vực nào chịu tổn thương cao nhất?
12:00 AM 18/08/2019 | Lượt xem: 289 In bài viết |Những năm gần đây, biến đổi khí hậu (BĐKH) biểu hiện ngày càng rõ nét trên nhiều lĩnh vực, khắp các vùng miền, địa phương trên cả nước. Để có cơ sở triển khai các hoạt động thích ứng mang tầm quốc gia, một trong những hoạt động cần thiết là đánh giá tính dễ bị tổn thương do tác động của BĐKH với các đối tượng khác nhau. Đây là cơ sở nhằm bảo đảm xem xét kịp thời các rủi ro khí hậu và tiềm năng có giải pháp phòng ngừa, ứng phó phù hợp theo năng lực của từng ngành, địa phương.
Hiện nay, Bộ TN&MT đang chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Kế hoạch thích ứng quốc gia với BĐKH (NAP) giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu giảm thiểu tính dễ bị tổn thương do tác động của BĐKH, thông qua việc nâng cao năng lực thích ứng và khả năng phục hồi. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lồng ghép BĐKH vào các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch một cách chặt chẽ trong các lĩnh vực liên quan và ở nhiều cấp độ khác nhau. Các giải pháp chủ yếu sẽ được thực hiện trong giai đoạn đến năm 2030 và dựa vào xu hướng BĐKH và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước để đề ra phương hướng thích ứng cho giai đoạn sau.
Đại diện nhóm soạn thảo NAP, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục BĐKH (Bộ TN&MT) cho biết, đến nay, dự thảo Kế hoạch đã xác định 7 lĩnh vực chính chịu ảnh hưởng của BĐKH gồm: nông nghiệp và phát triển nông thôn; tài nguyên và môi trường; sức khỏe cộng đồng; xây dựng, đô thị và nhà ở; giao thông vận tải; du lịch và nghỉ dưỡng; lĩnh vực liên ngành. Đi kèm là mục tiêu thích ứng và các nhóm giải pháp ưu tiên, cấp bách cần triển khai đối với từng ngành và lĩnh vực. Trong NAP sẽ có hướng dẫn cụ thể để tránh trùng lặp với các kế hoạch khác và dựa vào đó, các địa phương cũng phải xây dựng kế hoạch thích ứng riêng.
Với sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế, một số địa phương như: Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng đã chủ động đánh giá tác động của BĐKH trên địa bàn, để từ đó, đề xuất một kịch bản thích ứng dựa trên các ưu tiên cụ thể. Qua thực tế đánh giá, các địa phương cùng chung nhận định, tác động của BĐKH thể hiện rõ nhất ở sự gia tăng các hình thái thời tiết cực đoan, không theo quy luật gây thiệt hại lớn đến tính mạng và tài sản, sản xuất của người dân. Từ nông thôn đến thành thị đều ghi nhận sự gia tăng tính dễ bị tổn thương, có nguy cơ làm chậm quá trình phát triển kinh tế - xã hội nếu không triển khai ngay các giải pháp thích ứng phù hợp.
Theo Sở TN&MT TP. Đà Nẵng, thành phố đã chú trọng và nhiều năm đầu tư cho việc nâng cao khả năng chống chịu. Trên cơ sở xây dựng các bản đồ mô phỏng ngập lụt, nguy cơ sóng thần, nước biển dâng trong điều kiện BĐKH, thành phố đã xây dựng phương án và bản đồ sơ tán nhân dân với một số kịch bản thiên tai bão, lũ, lũ quét hay vỡ hồ chứa và sóng thần. Những phương án này vẫn được tham vấn, cập nhật và thay đổi cho phù hợp với thực tiễn qua từng năm. Để tăng thêm nguồn lực cho công tác ứng phó BĐKH nói chung và thích ứng nói riêng, thành phố vẫn luôn chú trọng đổi mới cơ chế tài chính, tăng chi ngân sách và đa đạng hóa nguồn vốn, thúc đẩy hợp tác quốc tế để tăng sức chống chịu của TP. Đây là cơ sở để xây dựng kế hoạch thích ứng sau này.
Một khó khăn chung của nhiều địa phương, đó là thiếu cơ quan, cán bộ chuyên trách về BĐKH, dẫn đến mức độ quan tâm, nhận thức của các cấp ngành, người dân chưa đầy đủ và thiếu sự quan tâm đúng mức. Đây là nội dung lớn, phức tạp và liên quan đến trách nhiệm, hoạt động của hầu hết các Sở ngành, địa phương, nhiều đối tượng khác nhau nên rất khó phối hợp đồng bộ và liên kết triển khai các hành động thích ứng.
Với những ngành chịu nhiều tác động như ngành nông nghiệp lại đặt ra vấn đề là phải đảm bảo sự liên kết trong kế hoạch thích ứng của ngành và kế hoạch thích ứng của địa phương. Theo bà Rohini Kohli, đại diện dự án Hỗ trợ các quốc gia đang phát triển lồng ghép các lĩnh vực nông nghiệp trong NAP, với kế hoạch của ngành, việc xác định tổn thương, đánh giá tác động được chia theo các tiểu ngành, cụ thể với nông nghiệp và trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và cơ sở hạ tầng thủy lợi. Từ xác định các giải pháp thích ứng đến năm 2030 và tính toán chi phí lợi ích, việc xây dựng kế hoạch và phân bổ các nguồn lực tài chính ngân sách hiệu quả cần có sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo địa phương cũng như phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan.
Đây cũng là cơ sở xây dựng phương pháp luận để đánh giá tổn thất và thiệt hại ngành trong các mục tiêu dài hạn. Muốn làm được điều này, yêu cầu đặt ra là phải lồng ghép việc đánh giá một cách có hệ thống vào quá trình lập kế hoạch ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực ưu tiên trong NAP.
(Báo TN&MT)