Phòng chống thiên tai dưới góc nhìn của đại biểu Quốc hội

09:23 AM 10/11/2020 |  Lượt xem: 284 |  In bài viết | 

Nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến công tác PCTT tại kỳ họp thứ 10

Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam)Cần đầu tư cho các công trình phòng, chống thiên tai: Mưa bão, nước dâng, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thiên tai dồn dập, bão chồng bão, lũ chồng lũ đổ vào các tỉnh miền Trung hơn 1 tháng qua. Đến thời điểm này, chúng ta chưa thể thống kê đầy đủ những mất mát, thiệt hại vô cùng to lớn về người và tài sản của Nhân dân và nhà nước. Điều chắc chắn là rất nhiều bà con tay trắng, mất sạch tài sản tích cóp, dành dụm bao năm, thành quả phát triển của rất nhiều địa phương bị kéo lùi đáng kể khi hàng ngàn hecta lúa, hoa màu úng ngập, hàng triệu gia súc, gia cầm bị cuốn trôi, hàng ngàn ngôi nhà dân bị sập trôi, hư hỏng, hàng trăm kilômet quốc lộ và đường giao thông của địa phương bị sạt lở, hư hỏng.

Bởi vậy, tôi cho rằng, để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới, trong chủ trương đầu tư công phải rất chú trọng cho các chương trình, dự án bảo đảm bền vững cho việc duy trì, phát triển thành quả phát triển từ giai đoạn trước. Cần đầu tư cho các công trình PCTT, đặc biệt là công tác di dời, tái định cư cho bà con sống ở khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét. Đầu tư trang thiết bị chuyên dùng cho lực lượng làm công tác PCTT, tìm kiếm cứu nạn ở địa phương.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP. Hà Nội)Phân bổ một khoản tương ứng để phục vụ công tác bảo vệ, phát triển rừng và ổn định dân cư

 

Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội trong bối cảnh thiên tai diễn ra với hậu quả nặng nề. Hơn bao giờ hết, chúng ta cảm nhận được một yêu cầu đặt ra, đó là phát triển bền vững. Về giải pháp thời gian tới, đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, trong tổng nguồn lực này cần phân bổ một khoản tương ứng để phục vụ công tác bảo vệ, phát triển rừng và ổn định dân cư. Đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn, cần ưu tiên mục tiêu khắc phục hậu quả thiên tai, đồng thời ưu tiên cho những dự án có khả năng bảo vệ, phát triển bền vững.

Thời gian qua, tất cả chúng ta đều cảm thấy bàng hoàng, đau xót trước sự ra đi của đồng chí và rất nhiều người dân. Vẫn biết rằng, thiên tai là vô thường và thiên nhiên là bất khả kháng nhưng rõ ràng trong đó có yếu tố từ phía con người. Chúng ta đang phá hủy mối quan hệ cộng sinh giữa con người với thiên nhiên và cái giá phải trả là quá đắt. Trong thiên tai, chúng ta thấy được tình người, thấy được sự quyết liệt của chính phủ, sự hy sinh của quân đội, công an trong bảo vệ người dân. Nhưng chúng ta cũng thấy được những lỗ hổng trong công tác quản lý, thấy được còn nhiều hành vi tàn phá thiên nhiên chưa được ngăn chặn. Nếu như đứng trước bài toán kinh tế thì sự lựa chọn đúng đắn hơn cả vẫn phải là phát triển bền vững.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị)Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, nhất là hoạt động cứu trợ và tái thiết sau thiên tai

Tôi rất đồng tình với nhiều ý kiến đã phát biểu về vấn đề hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, nhất là hoạt động cứu trợ và tái thiết sau thiên tai. Đó cũng là vấn đề cử tri miền Trung nói riêng và cử tri cả nước nói chung đang hết sức quan tâm. Tôi đề nghị Quốc hội đặc biệt quan tâm và đầu tư thỏa đáng cho công việc này.

Từ những khó khăn của Quảng Trị, nhìn rộng ra cả nước, tại kỳ họp này, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét dự toán năm 2021, cần dành một khoản đầu tư thích đáng cho công tác dự báo, cảnh báo chính xác hơn, phục vụ chỉ đạo, điều hành PCTT hiệu quả, kịp thời; nghiên cứu các địa hình, địa chất, xác định vùng nguy hiểm ẩn chứa nhiều nguy cơ thiên tai để nhằm giảm thiểu các tác động đến một số điểm dân cư. Dự báo trước nguy cơ để di dời dân, tái định cư kịp thời. Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, cũng cần ưu tiên cho mua sắm trang thiết bị phục vụ cứu hộ, cứu nạn, xây dựng hạ tầng các huyện, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai): Quyết liệt chỉ đạo việc thực hiện trồng rừng phòng hộ

 

Tác động của biến đổi khí hậu, môi trường cực đoan, dị thường làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của khu vực Tây Nguyên. Để bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giảm thiểu tác hại của thiên tai gây ra, tôi đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, quyết liệt chỉ đạo việc thực hiện trồng rừng phòng hộ, đặc biệt là các cây gỗ lớn, bố trí và phân bổ kịp thời kinh phí cho các tỉnh thực hiện và kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện trồng rừng tại các tỉnh.

Bên cạnh đó, với lợi thế là tỉnh có diện tích lớn thứ hai của cả nước, ngoài tiềm năng phát triển về nông nghiệp như hiện nay, Gia Lai còn có tiềm năng, lợi thế về phát triển năng lượng tái tạo. Vì vậy, đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương quan tâm bổ sung quy hoạch các dự án phát triển năng lượng tái tạo vào quy hoạch của tỉnh và quy hoạch điện lực quốc gia để tỉnh phát huy được lợi thế nhằm phát triển kinh tế - xã hội. 

CHỦ ĐỀ CỦA NĂM

LIÊN KẾT