Nông dân Tây Nguyên đang đối mặt với hạn hán

12:00 AM 25/08/2019 |  Lượt xem: 288 |  In bài viết | 

Vườn tiêu khô héo vì thiếu nước.

Tìm nước bằng mọi cách

Huyện Krông Buk, tỉnh Đăk Lăk có 30.000ha cây trồng các loại, trong đó 20.000ha cà phê, 1.300ha hồ tiêu, 1.500ha cây ăn quả. Tuy nhiên, cả huyện chỉ có 43 công trình thủy lợi, phục vụ tưới khoảng 30% diện tích cây trồng, còn lại phụ thuộc nước tự nhiên từ sông, suối và ao, hồ người dân tự đào. Suốt mấy tháng nay không có mưa, một số hồ đập thủy lợi và khe suối, ao hồ trên địa bàn huyện cạn kiệt, nước ngầm cũng tụt giảm. Cây trồng thiếu nước bắt đầu héo khô, chết dần, nhiều người dân bất lực nhìn cây chết.

Hơn 3ha cà phê của gia đình anh Cao Anh Toàn ở buôn Ea Kăp, xã Ea Sin, huyện Krông Buk đang trong giai đoạn bung hoa, rất cần nước tưới để đậu trái. Anh Toàn cho biết: Rẫy cà phê nhà tôi gần hồ Ea Kar, mấy năm trước hồ nước đủ cung cấp cho bà con tưới 3 đợt, năm nay mới xong đợt 1 đã hết nước. Tôi đã thuê người đào giếng sâu 20m ngay dưới lòng hồ để có nước tưới cho cây trồng, nhưng chỉ bơm được 2 tiếng lại phải dừng chờ nước hồi lại, không đủ nước cà phê trong vườn đã bắt đầu héo rũ.

Không chỉ thiếu nước tưới trầm trọng, nhiều người dân cũng gặp khó khăn trong việc tìm nguồn nước sinh hoạt. Nhiều gia đình đầu tư hàng trăm triệu đồng để khoan giếng những không phải ai cũng may mắn có được nguồn nước trong lành sử dụng, không ít gia đình mất tiền khoan giếng mà vẫn phải đi xin nước dùng. Xã Đăk Gằn, huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông là nơi “rốn hạn”, không chỉ cây trồng mà cả nước sinh hoạt cũng gặp khó khăn. Nhiều hộ dân đầu tư cả trăm triệu đồng khoan ngót chục cái giếng cũng không đủ nước dùng.

Anh Nguyễn Văn Huy, thôn Nam Định xót xa kể: cây trồng trên diện tích 2ha rẫy của anh đã chết một phần, phần còn lại đang héo khô. Đến nay, anh đã khoan 12 giếng, mất cả trăm triệu đồng nhưng chỉ có 1 giếng có nước, nhưng mùa hạn này mỗi ngày anh cũng chỉ bơm được vài trăm mét khối nước để sử dụng sinh hoạt.

Ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Đăk Gằn cho biết: Xã cũng có hồ chứa phục vụ tưới tiêu cho bà con, nhưng các thôn Nam Định, Tân Lập ở xa trung tâm xã, địa hình nhiều đá nên nguồn nước rất khó khăn. Không chỉ nước tưới, nước sinh hoạt cũng hiếm nên bà con phải khoan giếng tìm nước.

Kết hợp nhiều giải pháp ứng phó hạn hán

Vụ đông-xuân 2018-2019, tỉnh Đăk Lăk có khoảng 250 nghìn ha cây trồng các loại cần nước tưới, bao gồm cả nước tưới trực tiếp từ công trình thủy lợi và nguồn nước sông, suối, nước ngầm. Đến nay, mực nước các hồ chứa còn khoảng 50% so với dung tích thiết kế, một số hồ nhỏ gần đến mực nước chết, có 9 hồ đã cạn. Vì vậy, công tác phòng chống hạn đang được các ngành chức năng tỉnh ưu tiên triển khai tích cực.

Theo đánh giá của ông Hoàng Văn Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Buk, năm nay tình hình hạn hán trên địa bàn gay gắt hơn rất nhiều. Nếu trong tháng tiếp theo, trời tiếp tục nắng, không có mưa thì 50% diện tích cà phê và cây trồng lâu năm sẽ bị ảnh hưởng nặng, thậm chí mất trắng.

Trước mắt để hạn chế thiệt hại do hạn hán, Phòng cũng chỉ biết thực hiện được giải pháp là, chỉ đạo các xã, hợp tác xã, tổ thủy nông điều tiết nước hợp lý theo điều kiện từng khu vực; đẩy mạnh khơi thông dòng chảy kênh mương thủy lợi; khuyến cáo đến người dân tưới tiết kiệm; tủ rơm, lá khô vào gốc cây giảm bốc hơi nước; chuyển đổi cây trồng …

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, dự báo, tình trạng thiếu nước sẽ xảy ra trên diện rộng và kéo dài suốt mùa khô do xuất hiện trạng thái El Nino yếu và kéo dài cho đến giữa năm 2019. Nguy cơ hạn hán tập trung ở một số địa phương như Ea Kar, Krông Buk, Krông Bông, Ea Súp (Đăk Lăk); huyện Chư Sê, Krông Pa (Gia Lai); huyện Đăk Mil, Cư Jut (Đăk Nông)...

(Báo DT&PT)

CHỦ ĐỀ CỦA NĂM

LIÊN KẾT