Nhìn lại công tác di dân khỏi vùng sạt lở ở Hà Giang: Cần có lời giải cho bài toán kinh phí (Bài 2)

10:19 AM 13/05/2021 |  Lượt xem: 461 |  In bài viết | 

Nguy cơ sạt lở, mất an toàn luôn hiện hữu ở vùng DTTS và MN mỗi mùa mưa bão.

Nhu cầu lớn

Từ năm tháng nay, 16 hộ dân thôn Khâu Nhòa, xã Giáp Trung (huyện Bắc Mê) luôn sống trong nỗi bất an, lo lắng. 3/4 số hộ dân ở thôn Khâu Nhòa định cư dưới chân núi đất cao, độ dốc lớn; an toàn tính mạng, tài sản đang bị đe dọa bởi nguy cơ sạt lở núi rất cao, nhất là khi mùa mưa bão gần kề.

Nhằm bảo đảm tính mạng, tài sản cho các hộ dân, UBND xã Giáp Trung đã có báo cáo và xây dựng phương án di dân khỏi vùng sạt lở và quy hoạch, bố trí dân cư. Nhưng cái khó nhất đối với xã là thiếu kinh phí thực hiện.

Ông Đặng Văn Dâu, Chủ tịch UBND xã Giáp Trung cho biết: “Vấn đề sắp xếp bố trí nơi ở mới cho bà con về phía xã có thể thực hiện được, nhưng thiếu kinh phí đưa người dân ra nơi ở mới. Trước mắt cũng chỉ biết động viên bà con nâng cao cảnh giác khi mùa mưa đến”.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hà Giang cần bố trí ổn định cho 6.901 hộ (tập trung 1.351 hộ; xen ghép 2.288 hộ; tại chỗ 3.262 hộ). Trong đó, dân cư vùng nguy cơ thiên tai: 4.326 hộ. Theo tính toán của tỉnh Hà Giang, trong năm 2021, với tổng số 2.954 hộ cần di chuyển theo Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, sẽ cần khoảng gần 89 tỉ đồng.

Thiếu kinh phí để di dời các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao về thiên tai cũng là thực trạng chung của toàn huyện Bắc Mê. Theo ông Ấu Quốc Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê, qua rà soát, nhu cầu ổn định dân cư của toàn huyện hiện là 244 hộ, 1.244 nhân khẩu cần di dời đến nơi ở mới với tổng kinh phí dự kiến là 3,8 tỉ đồng, đặc biệt ưu tiên những hộ nguy cơ cao. Phương án di dân huyện đã xây dựng, chỉ chờ kinh phí để di dời.

Còn tại huyện Hoàng Su Phì, việc di chuyển dân khỏi vùng nguy hiểm lại có khó khăn khác. Trong năm 2020, đã có hàng nghìn ngôi nhà của người dân bị ảnh hưởng do sạt lở đất, đá làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt và sự an toàn của người dân. 

UBND huyện Hoàng Su Phì đã phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đánh giá về các hiện tượng trượt lở. Nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có giải pháp nào được triển khai thực hiện.

Ông Lý Chòi Nhàn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Phó Trưởng ban Thường trực Ban Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Hoàng Su Phì cho biết: Thời gian qua, UBND huyện Hoàng Su Phì đã tổ chức họp bàn nhiều lần để di dời các hộ dân ở vùng có nguy cơ sang vị trí khác. Tuy nhiên, vị trí mới do là ở cách xa với trung tâm thị trấn nên các hộ dân không đồng tình chuyển vị trí. 

"Trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục đề xuất với các cấp bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng kè chống sạt lở để đảm bảo cho khu dân cư và công trình nhà nước trong khu vực này”, ông Nhàn nói.

Khó khăn nhất vẫn là...kinh phí !

Theo ông Hoàng Hồng Trường, Chi cục trưởng Chi cục Kinh tế Hợp tác - Sở NN&PTNT Hà Giang, việc quy hoạch bố trí dân cư tại nơi ở mới phù hợp với điều kiện thực tiễn và đạt được một số kết quả. Tuy nhiên việc thực hiện sắp xếp, ổn định dân cư thời gian qua trên địa bàn tỉnh Hà Giang đa phần mới thực hiện theo hình thức xen ghép; còn việc sắp xếp dân cư theo hình thức tập trung do nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương chưa thực hiện được nhiều. 

Nguyên nhân một phần do kinh phí hỗ trợ còn dàn trải, thấp, chưa đáp ứng được so với nhu cầu của các dự án đã phê duyệt (mức hỗ trợ thấp nhất là 10 triệu đồng/hộ, cao nhất là 50 triệu đồng/hộ). Bên cạnh đó, thiếu quỹ đất là một trong những nguyên nhân cản trở nỗ lực của chính quyền tỉnh Hà Giang di dời dân khỏi vùng có nguy cơ cao về sạt lở.

Cùng với di dân, tái định cư, việc hỗ trợ, tạo sinh kế cho người dân cũng là giải pháp quan trọng.

Về vấn đề này, kiến nghị với Trung ương, tỉnh Hà Giang đã đề xuất nâng mức hỗ trợ bình quân đối với các hộ dân thuộc diện di dời theo Đề án sắp xếp, ổn định dân cư từ 10 triệu lên 20 triệu đồng/hộ (mức thấp nhất) và từ 50 triệu lên 70 triệu đồng/hộ (mức cao nhất). Đồng thời, cho phép tỉnh Hà Giang tiếp tục thực hiện Đề án di dân tái định cư theo hình thức xen ghép để giảm chi phí đầu tư.

Ông Vũ Đình Mạnh, cán bộ Chi cục Kinh tế hợp tác - Sở NN&PTNT Hà Giang cho rằng, việc sắp xếp, ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh Hà Giang trong thời gian qua cũng đã bộc lộ một số bất cập. Cụ thể, như: chưa sắp xếp được thứ tự ưu tiên để bố trí vốn dứt điểm cho các dự án cấp bách; một số dự án phải điều chỉnh lại quy mô, số hộ thực hiện. 

Đặc biệt, vốn bố trí cho các dự án chủ yếu là nguồn vốn Trung ương hỗ trợ hàng năm; công tác huy động vốn đầu tư của các tổ chức khác trên địa bàn tỉnh khó thực hiện, nên chưa đáp ứng được tiến độ đề ra của dự án. Chính quyền các địa phương chưa bố trí, lồng ghép được các nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác để hỗ trợ cho các hộ sau bố trí dân cư, nhất là việc tạo sinh kế.

Ông Mạnh cho biết thêm, để thực hiện có hiệu quả Đề án sắp xếp, ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh Hà Giang, trong thời gian tới cần điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với việc xây dựng nông thôn mới và các quy hoạch khác có liên quan. Ưu tiên các vùng có nguy cơ cao về thiên tai cần di dời cấp bách; vùng biên giới; vùng ĐBKK. Tăng cường đầu tư hỗ trợ giống, cây trồng có năng suất cao, xây dựng các phương án đầu tư, hỗ trợ sinh kế theo Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030... 

Theo ông Mạnh, mùa mưa bão đã cận kề, Hà Giang đang đứng trước nguy cơ thiệt hại về người và tài sản nếu không có những giải pháp cấp bách và triển khai sớm. Vì thế, Trung ương cần sớm bố trí kinh phí cho tỉnh Hà Giang để triển khai thực hiện các dự án di dân tái định cư. Xây dựng kè chống sạt lở, điều tra, cập nhật và cảnh báo kịp thời các điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở tới người dân để chủ động phòng ngừa. 

CHỦ ĐỀ CỦA NĂM

LIÊN KẾT