Ngư dân hành động vì môi trường biển

03:40 PM 09/06/2022 |  Lượt xem: 2392 |  In bài viết | 

Ảnh: Theo báo Công an Nhân dân

Vừa đánh bắt vừa gom rác

Mỗi con tàu trước khi vươn khơi đều chuẩn bị bao bì đựng rác. Trở lại đất liền, không chỉ mang về tôm, cá, ngư dân còn gom rác từ biển về, làm sạch cho biển. Phong trào này đang được hàng ngàn ngư dân ở tỉnh Quảng Bình hưởng ứng.

Đầu năm 2022, huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) đã triển khai thí điểm mô hình “Thu gom rác thải, rác thải nhựa trên tàu cá xa bờ” ở xã Cảnh Dương. Theo đó, ngư dân được hướng dẫn làm túi thu gom đựng rác thải với vật liệu tận dụng lưới đánh cá hỏng, không làm phát sinh chi phí. Chính quyền địa phương cũng bố trí nhân lực, trang thiết bị hỗ trợ tại các điểm tập kết để thu gom rác thải.

Gương mẫu đi đầu tham gia mô hình này là tổ trưởng các tổ đoàn kết, tổ hợp tác sản xuất trên biển, tổ biển xa... và những người có uy tín trong cộng đồng.

Thực hiện hiệu quả ở xã Cảnh Dương, mô hình vừa đánh bắt hải sản vừa gom rác đã lan toả đến các xã biển của tỉnh Quảng Bình. Đến nay, hầu hết ngư dân Quảng Bình đã thực hiện việc vừa đánh bắt thuỷ hải sản, vừa có ý thức đưa rác vào bờ.

Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Quảng Bình cho biết, tỉnh hiện có gần 7.800 tàu cá trong đó có hơn 1.500 tàu khai thác xa bờ. Vì vậy, việc vận động ngư dân vừa đánh bắt vừa thu gom rác thải sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường biển.

Tỉnh Quảng Bình đang đặt mục tiêu phấn đấu, trong năm 2022, 100% tàu cá đánh bắt xa bờ tham gia thu gom rác. Nêu thành công, Quảng Bình có thể thu gom hàng trăm, hàng ngàn tấn rác thải trên biển mỗi năm. Quan trọng hơn là thông qua mô hình này, ngư dân sẽ hình thành thói quen không xả rác thải ra biển và môi trường biển sạch hơn.

Chung tay bảo tồn biển

Từ nhiều năm nay, ngư dân vùng biển thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) cam kết thực hiện đúng quy chế bảo tồn biển, đánh bắt có trách nhiệm, không xâm phạm các vùng cấm, vùng sinh sản của các loài, không sử dụng các loại lồng bẫy, thuốc nổ, giã cào, pha xúc để đánh bắt hải sản; đồng thời báo với lực lượng chức năng khi phát hiện phương tiện đánh bắt hải sản trái phép.

Ngư dân ở đây nhận thức rõ ràng rằng, có bảo vệ khu bảo tồn biển thì các loài hải sản sẽ không bị suy giảm, ngư dân luôn có sinh kế ổn định. Điển hình như ở xã đảo Tân Hiệp, người dân luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh thái biển. Ở đó, ngư dân tham gia đội lặn bắt sao biển gai, đội phục hồi san hô và đội thu gom rác thải ở bề mặt cũng như dưới đáy biển Cù Lao Chàm.

Có ngư dân lại là nòng cốt trong việc tham gia xây dựng các vườn ươm san hô, tạo nguồn phục hồi những khu vực bị ảnh hưởng, suy thoái; tổ chức thả phao phân vùng khu vực có rạn san hô phong phú, bãi giống, bãi đẻ để hạn chế tác động của con người; thường xuyên tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các hoạt động vi phạm trong khu bảo tồn.

Lãnh đạo Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, sự nhiệt tình tham gia của cộng đồng ngư dân đã giúp bảo tồn biển vượt qua nhiều khó khăn. Đó cũng là bí quyết để Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm trở thành mô hình quản lý tài nguyên biển đảo tiêu biểu trên phạm vi cả nước.

(Nguồn: monre.gov.vn)

CHỦ ĐỀ CỦA NĂM

LIÊN KẾT