Ngăn chặn nạn khai thác rừng trái phép: Bài 1- Thực trạng và nguyên nhân
12:00 AM 16/09/2020 | Lượt xem: 1781 In bài viết |Tình trạng khai thác rừng trái phép vẫn xảy ra tại một số huyện đã và đang đe dọa sự bình yên của các khu rừng tự nhiên, kéo theo hàng loạt hệ lụy như lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, biến đổi khí hậu... Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, cấp ủy, chính quyền các địa phương và chủ rừng đã, đang gồng mình giữ rừng.
Rừng vẫn bị khai thác trái phép
Thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QL,BV&PTR) đã làm chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể và người dân tỉnh ta trong công tác QL,BV&PTR. Với 641.893 ha rừng hiện có của Thanh Hóa đã cơ bản được bảo vệ tốt, tình trạng cháy rừng được kiểm soát đến mức thấp nhất; độ che phủ của rừng đã tăng từ 53,03% (năm 2017) lên 53,46% (năm 2019).
Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng khai thác rừng trái phép vẫn xảy ra tại một số huyện trên địa bàn tỉnh như: Bá Thước, Thường Xuân, Quan Sơn... Điển hình, tại Bá Thước, trong các tháng đầu năm 2020, đã xảy ra một số vụ phá rừng trái phép tại các xã Thiết Ống, Thiết Kế. Theo phản ánh của người dân, vào trung tuần tháng 3-2020, phóng viên Báo Thanh Hóa đã về địa phương trực tiếp tìm hiểu thực tế tại hiện trường một số vụ phá rừng. Đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bá Thước, UBND xã Thiết Ống và lãnh đạo hạt kiểm lâm huyện, kiểm lâm viên (KLV) đã cùng chúng tôi vượt đoạn đường đất đá lởm chởm từ Quốc lộ 217 lên thôn Nán (xã Thiết Ống). Theo quan sát của chúng tôi, đây là khu rừng sản xuất tái sinh nghèo kiệt sau nương rẫy, xung quanh phần lớn là cây ưa sáng, mọc nhanh, thi thoảng chúng tôi mới gặp một vài cây gỗ thuộc nhóm 7, nhóm 8, còn các cây gỗ quý hiếm có giá trị hầu như không có. Tại nơi rừng đã bị khai thác trái phép, chỉ còn trơ trọi một số gốc cây tạp lẫn keo, củi tái sinh và cành lá đốt cháy nham nhở.
Ông Bùi Văn Lượng và Cao Thanh Bình (xã Thiết Ống) là hai hộ chủ rừng có rừng bị phá, giãi bày: “Từ năm 1997, hai gia đình tôi được giao khoán 2,1 ha đất rừng sản xuất theo Nghị định 02-CP ngày 15-1-1994 của Chính phủ. Mục đích sử dụng là phát triển lâm nghiệp, thời hạn 50 năm. Do thiếu đất sản xuất, trong khi hai gia đình chúng tôi chưa được hưởng chính sách đầu tư hỗ trợ quản lý, chăm sóc, BVR và thiếu hiểu biết pháp luật nên đã tự ý phát đốt khoảnh rừng tái sinh nghèo kiệt để trồng keo. Chúng tôi sẽ nghiêm túc chấp hành mức phạt vi phạm theo quy định của pháp luật và bảo vệ tốt diện tích rừng được giao, không tái phạm”.
Có mặt tại hiện trường vụ phá rừng, ông Nguyễn Hữu Thành, Chủ tịch UBND xã Thiết Ống, trao đổi với chúng tôi: Xã Thiết Ống có 5.315 ha đất lâm nghiệp, trong đó có hơn 950 ha rừng phòng hộ, còn lại là rừng sản xuất. Các năm trước đây, tình hình an ninh rừng ở thôn Nán nói riêng, toàn xã nói chung ổn định, không có tình trạng khai thác trái phép. Trong các tháng vừa qua, do áp lực thiếu đất sản xuất, lại đang là vụ xuân thuận lợi cho trồng mới rừng, một số hộ tại địa phương nhận thức pháp luật về BVR còn hạn chế; diện tích rừng được giao bảo vệ nhưng hiện tại chưa được hưởng chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, nên tự ý phá rừng và chuyển đổi cây trồng có giá trị cao hơn. Trước sự việc trên, UBND xã đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện đưa toàn bộ tang vật vi phạm về kho của hạt để xử lý theo quy định pháp luật, chỉ đạo lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm tra tại địa bàn nhằm giữ ổn định an ninh rừng...
Theo báo cáo của UBND huyện Bá Thước: Tại xã Thiết Ống, diện tích rừng bị phá 5.550m2, trong đó 4.916 m2 có cây mọc rải rác, 634m2 là trảng cỏ. Tại lô 40, khoảnh 2, tiểu khu (TK) 296, chủ rừng là hộ ông Bùi Văn Lượng, trú tại thôn Nán, xã Thiết Ống, phát hiện 71 gốc cây gỗ bị chặt hạ, đường kính từ 10-38 cm, khối lượng 3,901m3. Diện tích rừng bị phá 3.600m2, trong đó diện tích cây tái sinh 2.966m2, trảng cỏ 634m2. Thời điểm rừng bị phá từ tháng 12-2019, đến đầu tháng 3-2020, trên diện tích bị phá gia đình đã trồng lại keo. Tại lô 41, khoảnh 2, TK 296, chủ rừng là hộ ông Cao Thanh Bình, thôn Nán, xã Thiết Ống, phát hiện 41 cây gỗ mọc rải rác bị chặt hạ, đường kính 9 đến 27 cm, khối lượng 1,975m3; diện tích rừng bị phá 1.950m2; thời điểm rừng bị phá tháng 12-2019. Trên diện tích rừng bị phá gia đình đã trồng lại keo.
Từ Quốc lộ 15 đến thôn Kế (xã Thiết Kế) chúng tôi phải vượt gần 15 km đường đất đá lởm chởm. Tại hiện trường vụ phá rừng, đại diện chính quyền địa phương và lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Bá Thước, cho biết: Các tháng cuối năm 2019, trên địa bàn xã Thiết Kế có 8 cây gỗ tạp, nhóm 7, khối lượng 4,693 m3 bị khai thác trái phép. Trong đó, có 4 cây tại lô 8, khoảnh 1, TK 291, chủ rừng là ông Lê Văn Mén (xã Thiết Kế), gỗ đã lấy hết ra khỏi rừng; 4 cây gỗ tại lô 126, khoảnh 1, TK 291, chủ rừng là hộ ông Hà Văn Phiến, trú tại Thiết Kế, gỗ đã lấy ra khỏi rừng.
Đối với 2 vụ việc tại xã Thiết Ống, đã được Hạt Kiểm lâm Bá Thước lập biên bản kiểm tra ngày 10-3-2020; biên bản vi phạm hành chính ngày 12-3-2020; ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lượng và ông Bình, số tiền 10 triệu đồng. 2 vụ việc tại xã Thiết Kế, Hạt Kiểm lâm huyện đã kiểm tra, lập biên bản, đang phối hợp với chính quyền và các ngành chức năng điều tra đối tượng vi phạm, làm rõ trách nhiệm chủ rừng xử lý theo quy định.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước Võ Minh Khoa cho biết: Bá Thước có hơn 49.195 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên hơn 35.000 ha, còn lại là rừng trồng. Các năm vừa qua, an ninh rừng trên địa bàn cơ bản ổn định. Kinh tế lâm nghiệp của huyện ngày càng phát triển đã góp phần giải quyết thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Nhận thức về BV&PTR, phòng cháy, chữa cháy rừng và đầu tư phát triển kinh tế lâm nghiệp của nhân dân trên địa bàn được nâng lên. Công tác BV&PTR đã từng bước được xã hội hóa. Từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2020, có tình trạng lấn chiếm đất rừng tự nhiên, khai thác lâm sản trái pháp luật xảy ra tại một số xã và của chủ rừng Nhà nước, gây mất ổn định an ninh rừng trên địa bàn. Sau khi nhận được thông tin vềmột số vụ khai thác rừng trái phép trên địa bàn, UBND huyện đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa cùng với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng kịp thời kiểm tra làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, chủ rừng để xảy ra tình trạng phá rừng và xử lý nghiêm theo quy định nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa, nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước về BVR. Đồng thời, huyện Bá Thước đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường công tác BVR tận gốc.
Năm 2019, các đơn vị thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phát hiện và xử lý 431 vụ vi phạm hành chính. 3 vụ khởi tố hình sự tại Hạt Kiểm lâm Thường Xuân và Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Tổng thu từ tiền phạt và tiền bán tang vật vi phạm hành chính nộp ngân sách Nhà nước hơn 4 tỷ 668 triệu đồng. Riêng quý I năm 2020, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phát hiện và xử lý 110 vụ vi phạm hành chính.
Phá rừng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan
Về khách quan, đó là hệ lụy của quá trình phát triển kinh tế không cân xứng, xung đột giữa nhu cầu bảo tồn và phát triển. Cơ chế, chính sách BV&PTR, giao đất, giao rừng, cho thuê rừng, đánh giá rừng... còn thiếu đồng bộ. Nguồn vốn đầu tư cho công tác QL,BV&PTR còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách cấp hàng năm. Riêng năm 2019, toàn tỉnh có 598.573 ha được ngân sách Nhà nước cấp cho công tác QL,BV&PTR, bình quân 117 ngàn đồng/ha, mới đáp ứng được 30% theo định mức quy định. Trong khi đó, vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh ta có địa hình chia cắt phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, giao thông khó khăn, rừng núi cao, hiểm trở, tài nguyên rừng chủ yếu tập trung tại các khu vực giáp ranh, xa dân cư, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số đời sống còn nhiều khó khăn, gây sức ép cho công tác BVR... Nhiều hộ dân chưa có hoặc thiếu đất sản xuất, sinh kế chủ yếu là lợi dụng tài nguyên rừng để khai thác, phá rừng, xâm lấn đất rừng để trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao hoặc sang nhượng trái phép hưởng lợi. Cũng phải nhìn nhận một thực tế là các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ đã được Nhà nước giao quản lý diện tích rừng rất lớn, nằm ở nhiều huyện, xen kẽ với diện tích đất lâm nghiệp của nhiều hộ dân, quá sức quản lý và đầu tư khai thác nên nảy sinh vấn đề mua bán, chuyển nhượng đất ngầm. Ngoài ra, công tác quản lý đất đai thời gian qua còn thiếu chặt chẽ trong đo đạc xác định ranh giới, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dẫn đến tình trạng xâm canh, tranh chấp, lấn chiếm đất rừng trên đất nhận khoán sản xuất tại nhiều địa phương. Chưa có chính sách thu hút các thành phần kinh tế đầu tư BV&PTR, nhất là rừng tự nhiên. Một nguyên nhân khác đã và đang gây sức ép cho công tác BVR chính là biên chế lực lượng kiểm lâm quá mỏng do quá trình tinh giản biên chế và sắp xếp lại tổ chức. Trưởng Phòng Tổ chức xây dựng lực lượng, Chi cục Kiểm lâm, Nguyễn Văn Hùng, cho biết: Tổng biên chế của ngành kiểm lâm được UBND tỉnh giao là: 281 công chức và 87 viên chức. Thực tế, đến tháng 3-2020 toàn ngành chỉ có 274 công chức và 34 viên chức. Bình quân mỗi KLV tại Thanh Hóa phụ trách quản lý, bảo vệ 2.084 ha rừng, mỗi KLV từ 1-3 xã và còn phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác. Theo Quyết định 07/2012/QĐ-TTg ngày 8-2-2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tăng cường công tác BVR cứ 1.000 ha rừng có 1 biên chế kiểm lâm.
Ngoài những nguyên nhân khách quan nói trên, để xảy ra tình trạng chặt phá rừng trái phép còn xuất phát từ một số nguyên nhân chủ quan, đó là: Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức cho nhân dân trong vùng, nhất là đồng bào sống ven rừng chưa thường xuyên, còn hình thức, hiệu quả tuyên truyền chưa cao. Công tác tham mưu của một số hạt kiểm lâm cho cấp ủy, chính quyền địa phương và trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp của một số xã có thời điểm chưa tốt, chưa thường xuyên tổ chức lực lượng phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát trách nhiệm của chủ rừng; chưa thường xuyên tuần tra BVR tận gốc nhằm sớm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là ở các xã đã xảy ra tình trạng phá rừng trái phép, trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW chưa quyết liệt, hiệu quả. Ranh giới của rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng sản xuất của các chủ rừng Nhà nước và các hộ dân nhiều nơi chưa rõ ràng, cụ thể. Thực tế trách nhiệm của chủ rừng để rừng bị phá chưa được làm rõ, xử lý chưa kịp thời, nhất là việc thu hồi lại rừng của chủ rừng là hộ gia đình để rừng bị khai thác trái phép nhiều lần, đến mức nghiêm trọng chưa thực hiện. Năng lực chuyên môn của một số cán bộ kiểm lâm làm việc tại địa bàn, cán bộ BVR trong các khu bảo tồn thiên nhiên, ban quản lý rừng phòng hộ còn yếu. Chính vì vậy, một số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp chậm được phát hiện, khâu củng cố hồ sơ ban đầu thiếu chặt chẽ và tham mưu cho cấp có thẩm quyền xử lý chưa kịp thời. Chủ rừng chưa chủ động trong kiểm tra, tuần tra BVR trên diện tích được giao, không phát hiện ngăn chặn kịp thời, báo cáo cơ quan chức năng khi tài nguyên rừng bị xâm hại. Ngoài ra, nhu cầu dùng gỗ rừng tự nhiên trong xây dựng nhà, đồ gia dụng, làm nhà sàn... tăng cao đã và đang tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định an ninh rừng.
Giữ màu xanh cho những cánh rừng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta. Cả hệ thống chính trị và người dân cần tiếp tục vào cuộc, chung tay BV&PTR với các giải pháp đồng bộ, bền vững.
(baothanhhoa.vn, 15/4)