Kon Tum: Nâng cao hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

12:00 AM 31/07/2019 |  Lượt xem: 145 |  In bài viết | 

Cán bộ của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum tuyên truyền về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Thực tế cho thấy, chính sách chi trả DVMTR được triển khai đã mang lại rất nhiều đổi thay trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại tỉnh Kon Tum. Nhờ chính sách này, đời sống hàng nghìn hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên, dần ổn định. Vai trò của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum trong công cuộc đưa chính sách chi trả DVMTR đi vào cuộc sống người dân đã được khẳng định.

Từ những khó khăn bước đầu, đến nay, qua công tác tuyên truyền sâu rộng, liên tục hàng năm, chính sách chi trả DVMTR đã được người dân địa phương đón nhận. Những lợi ích mà chính sách này mang lại cũng đã được các Cán bộ của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum truyền đạt đến từng thôn, làng, vùng sâu, vùng xa, vùng gần rừng để bà con thấu hiểu, từ đó làm theo.

Ông Hồ Thanh Hoàng - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum cho biết: Hầu hết các hộ gia đình, cộng đồng tham gia quản lý bảo vệ rừng hiện nay tại Kon Tum là đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, bên cạnh việc tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR, công tác quản lý, bảo vệ rừng; Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh còn hướng dẫn người dân về cách lập kế hoạch sản xuất, tìm hiểu về các nguồn lực chính trong phát triển sinh kế, giới thiệu một số mô hình phát triển sinh kế như: hoạt động sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp, hướng dẫn người dân sử dụng tiền DVMTR kết hợp với các nguồn vốn khác của gia đình để phát triển sinh kế hộ gia đình.

Chính việc người dân sử dụng hiệu quả nguồn tiền chi trả DVMTR để phát triển sinh kế đã tạo ra nhiều đổi thay trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương. Từ đó, hạn chế được tình trạng phá rừng, cháy rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép; góp phần ổn định diện tích rừng hiện có cả về số lượng, chất lượng và phát triển rừng mới trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

“Kết quả việc sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí không những từng bước cải thiện đời sống của người dân, nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ rừng, nâng số hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư thôn được nhận khoán bảo vệ rừng, mà còn huy động được một nguồn lực lớn cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng một cách thường xuyên. Qua đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghề rừng, góp phần tích cực giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị và trật tự xã hội ở các địa bàn dân cư, nhất là ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Kon Tum được giữ vững”, ông Hồ Thanh Hoàng chia sẻ.

Với cách làm thiết thực, hiệu quả của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum từ nhiều năm nay, đã nâng cao nhận thức của các đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương và người dân về chính sách chi trả DVMTR, tạo chuyển biến rõ rệt đối với công tác quản lý và bảo vệ rừng tại tỉnh Kon Tum. Thời gian tới, công tác tuyên truyền về chính sách này sẽ vẫn tiếp tục được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, tại tất cả các địa phương của tỉnh Kon Tum để phát huy hơn nữa những hiệu quả mà chính sách đã mang lại thời gian qua.

(Báo TN&MT)

CHỦ ĐỀ CỦA NĂM

LIÊN KẾT