Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Luật Bảo vệ môi trường

02:39 PM 09/11/2020 |  Lượt xem: 276 |  In bài viết | 

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với các hướng tiếp thu, giải trình và dự thảo Luật như Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trình. Tuy nhiên, còn một số vấn đề lớn có ý kiến khác nhau cần được nghiên cứu, tiếp thu, báo cáo Quốc hội. Cụ thể:

Về đánh giá sơ bộ tác động môi trường, nên có 02 phương án: phương án 1, phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường đối với tất cả các dự án, kể cả lĩnh vực công và lĩnh vực tư; phương án 2, chỉ đánh giá sơ bộ tác động môi trường đối với dự án thuộc nhóm 1 (tại Điều 29 của dự thảo Luật). Cần đánh giá căn cứ cho việc đề xuất mỗi phương án, phân tích giải trình rõ cả ưu điểm, hạn chế của 02 phương án này. Cần thể hiện ngay trong dự thảo Luật về từng phương án.

Về Giấy phép môi trường, cần thể hiện 02 phương án: phương án 1, chỉ dùng 01 loại Giấy phép môi trường tích hợp cả Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi; phương án 2, vẫn giữ Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi theo quy định của Luật Thủy lợi. Đồng thời, phân tích đánh giá cụ thể căn cứ khách quan cho việc đề xuất 02 phương án này và thể hiện ngay trong dự thảo Luật.

Về thẩm quyền, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề nghị trình Quốc hội 02 phương án: phương án 1, liên quan đến các công trình có yếu tô kinh tế-kỹ thuật của các bộ chuyên ngành thì bộ chuyên ngành chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định, phương án 2, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các bộ chuyên ngành thẩm định.

Về thuế, tài chính, ngân sách, không nên quy định quá chi tiết, chỉ nêu nguyên tắc để tránh trường hợp khó thực hiện do vướng quy định của pháp luật. Mặt khác, cũng bảo đảm nguyên tắc các quy định mang tính chuyên ngành sẽ do các Luật chuyên ngành quy định và hướng dẫn chi tiết. Đồng ý trong chính sách của Nhà nước có quy định tăng chi ngân sách cho bảo vệ môi trường trong từng giai đoạn, phù hợp với khả năng ngân sách.

Về kiểm toán môi trường, đồng ý có quy định về Kiểm toán nhà nước tham gia thực hiện kiểm toán công tác bảo vệ môi trường nếu có liên quan đến sử dụng tài chính công, tài sản công. Giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Kiểm toán nhà nước nghiên cứu nội hàm cụ thể của quy định này bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Kiểm toán nhà nước, các Luật có liên quan và thông lệ quốc tế.

Về phân loại chất thải rắn, nên nêu nguyên tắc, tiêu chí, còn việc phân loại, cách thể hiện cụ thể nên giao cho các địa phương quyết định phù hợp với điều kiện của các địa phương.

Qua kết quả thảo luận tại Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo xây dựng nội dung Phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp. Đề nghị Chính phủ có ý kiến chính thức bằng văn bản để bảo đảm thống nhất giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trước khi Quốc hội biểu quyết, thông qua. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Cơ quan soạn thảo tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Luật để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10.

CHỦ ĐỀ CỦA NĂM

LIÊN KẾT