Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 2016: Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa
03:03 PM 19/07/2016 | Lượt xem: 214 In bài viết |Lễ phát động “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 05/6/2016
Tối 04/6, tại Lào Cai, “Tháng Hành động vì môi trường” hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2016 vinh dự được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tham dự và chính thức phát động.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát động “Tháng hành động vì môi trường”
Để thực hiện hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới một cách hiệu quả, có sức lan tỏa, năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức phát động “Tháng Hành động vì môi trường”. Đây là điểm mới, nổi bật của hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và sẽ trở thành hoạt động thường niên kể từ năm 2016.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng hoan nghênh Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có ý tưởng mới về việc tổ chức “Tháng hành động vì môi trường”. Đây là một hoạt động có ý nghĩa, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị - xã hội và nhân dân trên cả nước.
Nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường tại Việt Nam trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện năm (05) nhiệm vụ trọng tậm: (1) Kiện toàn và tăng cường năng lực cả về thể chế, tổ chức bộ máy và nguồn lực của hệ thống quản lý Nhà nước về môi trường; (2) Các Bộ, ngành và địa phương cần đặt yếu tố môi trường lên hàng đầu trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; (3) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành môi trường; (4) Nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường; (5) Đẩy mạnh đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo tỷ lệ chi ngân sách cho bảo vệ môi trường phù hợp với tỷ trọng đầu tư phát triển.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà
Để thực hiện thành công năm nhiệm vụ này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn cộng đồng chung tay cùng Chính phủ chủ động khắc phục những khó khăn, thách thức, quyết tâm, thống nhất hành động để ngăn chặn, đẩy lùi các hiểm họa về môi trường, kiềm chế tốc độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; bảo đảm cân bằng sinh thái, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước”.
Lễ trồng cây và thả động vật hoang dã về rừng hưởng ứng chủ đề “Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta”
Tiếp nối chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày môi trường thế giới tại Lào Cai, ngày 5/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai tổ chức Lễ trồng cây và thả động vật hoang dã về rừng tại vườn quốc gia Hoàng Liên, tỉnh Lào Cai.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân tham gia thả động vật hoang dã về rừng
Chương trình Trồng cây xanh và thả động vật hoang dã là một hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của việc bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái. Phát biểu khai mạc Chường trình, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: Sự giảm sút các hệ sinh thái sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự suy tồn của loài người hôm nay và mai sau.
Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài tham gia thả động vật hoang dã về rừng
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng kêu gọi các Bộ, ngành, đoàn thể và chính quyền các địa phương, các tổ chức, cá nhân trên cả nước cùng nhau có những hành động thiết thực để góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, chống buôn bán động, thực vật hoang dã để hướng đến xây dựng môi trường sống đảm bảo sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên.
Khẳng định vai trò, trách nhiệm của các tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ môi trường, gìn giữ đa dạng sinh học
Cũng trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2016, ngày 04/6 đã diễn ra Hội thảo “Vai trò của Hội Cựu chiến binh Việt Nam (CCB VN) trong bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) và bảo vệ các loài nguy cấp, quý, hiếm tại Việt Nam”.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng và Trưởng Ban Kinh tế TƯ Hội Cựu chiến binh Việt Nam Vũ Ngọc Bình
Việc tổ chức Hội thảo một lần nữa khẳng định vai trò, trách nhiệm của các tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn, gìn giữ ĐDSH của Việt Nam, hướng tới việc khai thác, sử dụng bền vững ĐDSH, góp phần đưa hình ảnh Việt Nam trở thành một quốc gia xanh, môi trường xanh đến bạn bè quốc tế.
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng: trong thời gian tới Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức chính trị - xã hội cần thúc đẩy các hoạt động hợp tác nhằm lồng ghép, lan tỏa thông điệp về bảo tồn ĐDSH và bảo vệ các loài nguy cấp, quý, hiếm; Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các hoạt động tuyên truyền về bảo tồn ĐDSH và bảo vệ động vật hoang dã, khuyến khích cộng đồng không buôn bán, sử dụng các sản phẩm từ các loài động vật hoang dã nguy cấp; Tổng cục Môi trường sẽ hỗ trợ thông tin tài liệu về bảo tồn ĐDSH và động vật hoang dã trong các hoạt động tuyên truyền của hai Hội.
Hội thảo là cơ hội để tăng cường hợp tác, xã hội hóa công tác bảo tồn ĐDSH và bảo vệ các loài hoang dã, thúc đẩy sự vào cuộc của các cơ quan Chính phủ, các tổ chức phi Chính phủ, khu vực tư nhân, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức quốc tế để tăng cường hiệu quả cho công tác bảo tồn ĐDSH ở Việt Nam.
Giảm thiểu phát thải chất hữu cơ khó phân hủy trong hoạt động đốt ngoài trời
Đây là mục tiêu của Dự án “Trình diễn áp dụng phương pháp BAT/BEP trong hoạt động đốt ngoài trời nhằm thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy” được giới thiệu tại Hội thảo thuộc chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2016.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng
Dự án được triển khai tại Việt Nam nhằm tăng cường khung pháp lý trong việc xây dựng và áp dụng công nghệ BAT/BEP trong hoạt động đốt ngoài trời; tăng cường năng lực thể chế và nguồn nhân lực để triển khai thực hiện BAT/BEP trong hoạt động đốt ngoài trời; trình diễn áp dụng các giải pháp BAT/BEP trong hoạt động đốt ngoài trời; nâng cao nhận thức và hiểu biết về BAT/BEP và các rủi ro liên quan đến các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy phát sinh không chủ định (UPOP) do hoạt động đốt ngoài trời.
Dự án gồm 5 hợp phần: Tăng cường năng lực áp dụng BAT/BEP trong hoạt động đốt ngoài trời; nâng cao năng lực nguồn nhân lực thực hiện BAT/BEP; thực hiện thí điểm BAT/BEP tại một số khu vực lựa chọn trình diễn; nâng cao kiến thức và hiểu biết về BAT/BEP và các chất UPOP liên quan đến rủi ro do các hoạt động đốt ngoài trời; đánh giá và giám sát việc thực hiện dự án.
Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ truyền thông về bảo vệ môi trường hệ thống lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình
Hội thảo tập huấn “Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ truyền thông về bảo vệ môi trường hệ thống lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình” diễn ra ngày 04/6 cũng khẳng định việc tăng cường quản lý chất lượng nước của hai hệ thống sông này là hết sức cấp thiết và có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững khu vực phía Bắc.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi các nội dung mới về công tác bảo vệ môi trường như một số điểm mới về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; các vấn đề cơ bản trong quá trình thẩm định và phê duyệt đánh giá tác động môi trường; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường,…
Các đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến, cũng như đưa ra các giải pháp cụ thể để giải quyết các vấn đề, vướng mắc trong công tác bảo vệ môi trường hệ thống lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức, cần đặc biệt chú trọng xây dựng khu xử lý nước thải sinh hoạt tập trung đạt mục tiêu 75% lượng nước thải sinh hoạt được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra hệ thống sông ngòi; xây dựng được mô hình xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường nước trong lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình; cần kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất và sử dụng hóa chất, nhất là các chất nguy hại.
Có thể nói, các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2016 được tổ chức sáng tạo, thiết thực, ý nghĩa, giúp cộng đồng dễ dàng cảm nhận, hiểu và chung tay, đồng lòng triển khai những hành động thiết thực làm sạch môi trường, thay đổi hành vi, lối sống nhằm góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện và bảo vệ môi trường cho chính chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau.
(http://vea.gov.vn/)