Vận động xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh
Gia Lai là tỉnh miền núi với tỉ lệ trên 50% là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Tập quán sinh hoạt gắn với thói quen “ăn rừng, ở rẫy” nên đời sống người dân không ổn định. Tiêu chí Môi trường trong xây dựng Nông thôn mới tại tỉnh cũng bị giới hạn bởi những phong tục của người đồng bào DTTS nơi đây, cụ thể như: nhà tiêu không đảm bảo vệ sinh, chăn nuôi gia súc dưới gầm nhà sàn…
Để vận động người đồng bào DTTS từ bỏ thói quen là một khó khăn nhất định cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đoàn thể. Vì thế, trong cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng Nông thôn mới do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai phát động đã đưa việc vận động hội viên, đặc biệt là hội viên người đồng bào DTTS xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh là nội dung quan trọng.
Theo đó, mô hình “Giúp công làm nhà tiêu hợp vệ sinh vùng đồng bào DTTS” được triển khai thực hiện. Người dân được hỗ trợ kinh phí và huy động ngày công từ dân làng. Mô hình đã ghi nhận nhiều hiệu quả nhất định, đến nay, toàn tỉnh Gia Lai đã nhân rộng được 7.581 nhà tiêu hợp vệ sinh.
Bà Đinh Thị Nga (làng Kuk Kôn, xã An Thành, huyện Đăk Pơ) phẩn khởi: “Nhà mình chỉ trông vào 01 ha mía và 01 sào lúa nước nên thu nhập thấp, không có điều kiện để xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Sau khi tham gia Câu lạc bộ “Phụ nữ DTTS tiết kiệm 5-10 triệu đồng” cộng với việc hỗ trợ vật liệu và ngày công, năm 2018 gia đình mình đã xây xong nhà tiêu hợp vệ sinh, rất thuận tiện cho sinh hoạt hàng ngày”.
Triển khai mô hình “Chi hội không rác”
Trong phong trào bảo vệ môi trường tại địa phương, nhiều mô hình hay, thiết thực đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai triển khai thực hiện. Trong đó, tiêu biểu như mô hình “Chi hội không rác”. Thực hiện mô hình này, các Chi hội Phụ nữ tại các xã, phường, thị trấn đã triển khai tổng dọn vệ sinh trên các tuyến đường theo định kỳ. Nhờ vậy, đường làng, ngõ xóm, khu vực công cộng trên địa bàn trở nên thông thoáng, sạch sẽ.
Chị Đinh Thị Hà (tổ dân phố 1, thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông) cho biết: Từ khi triển khai mô hình “Chi hội không rác”, cứ 2 tháng/lần, chị lại cùng 14 hộ trong tổ cùng nhau tham gia tổng vệ sinh trên tuyến đường dài hơn 500m ngay trước cổng nhà mình. Ngoài ra, đều đặn mỗi ngày, chị còn quét dọn cổng ngõ sạch sẽ và mang rác thải từ nhà bếp bỏ gọn gàng trước cổng để công nhân đô thị đến thu gom.
Cùng với đó, nhiều mô hình hay như: “Hàng rào xanh”, “Con đường hoa”, “Đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa”... được triển khai. Đến nay các cấp Hội đã thực hiện được gần 60km “Hàng rào xanh”, xây dựng và lắp đặt 45 cống thoát nước, đào 29.961 hố rác sau vườn nhà, di dời 8.131 chuồng trại gia súc ra phía sau nhà. Các Hội viên còn được tuyên truyền để chủ động phân loại rác thải tại nguồn.
Đặc biệt, Hội Phụ nữ tỉnh Gia Lai còn phối hợp với Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh tổ chức các hoạt động về bảo vệ môi trường tại một số xã trên địa bàn, mở các lớp tập huấn, tặng 100 sọt rác cho Hội viên Phụ nữ. Hàng năm, nhân ngày môi trường thế giới, các cấp Hội phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể đồng loạt ra quân tổ chức các hoạt động dọn dẹp vệ sinh môi trường như: thu gom rác thải, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, vệ sinh đường làng, ngõ xóm…
Công tác truyên truyền vận động của các cấp Hội về ý thức bảo vệ môi trường đã tác động đến ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của mỗi người dân, đặc biệt là Hội viên Phụ nữ, tạo môi trường sống xanh - sạch - đẹp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo sức khoẻ cho người dân, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đến từng hộ gia đình trong toàn tỉnh Gia Lai.
(Báo TN&MT)