Gắn ứng phó với biến đổi khí hậu trong xây dựng chính sách

12:00 AM 08/11/2019 |  Lượt xem: 8309 |  In bài viết | 

Cấp NSH để bảo đảm an sinh, đồng thời tạo điều kiện giảm nghèo bền vững.

Tránh đối phó

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện tỷ lệ sử dụng nước HVS bình quân cả nước đạt 88,5%. Phần dân số còn lại chưa được sử dụng nước HVS chủ yếu là đồng bào DTTS, sinh sống ở địa bàn ĐBKK.

Những năm qua, ngân sách Nhà nước đã bố trí hàng nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ NSH nhưng tình trạng thiếu NSH ở vùng DTTS và miền núi vẫn rất trầm trọng. Ngoài 313.291 hộ thiếu NSH thường xuyên thì vẫn còn hàng chục nghìn hộ “khát” bên cạnh những công trình cấp NSH hoạt động kém hiệu quả.

Tại phiên thảo luận sáng 1/11/2019 về Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi (gọi tắt là Đề án Tổng thể), đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đàng Thị Mỹ Hương (tỉnh Ninh Thuận) cho rằng, rất nhiều hộ được tiếp cận NSH nhưng không được sử dụng thường xuyên. Ngoài nguyên nhân phá rừng, BĐKH thì có một phần do chính sách hỗ trợ NSH đang triển khai theo kiểu đối phó.

Khẳng định của đại biểu Hương là không sai khi mà lâu nay, chính sách được thiết kế theo quan điểm “hỗ trợ”. Từ năm 2004, theo Quyết định (QĐ) 134/2004/QĐ-TTg, mỗi hộ thiếu NSH được hỗ trợ 0,5 tấn xi măng hoặc 300 nghìn đồng để xây bể chứa hoặc khoan giếng (cộng đồng dân cư có từ 50% hộ đồng bào DTTS trở lên thiếu NSH, ngân sách hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng công trình nước tập trung).

Sang QĐ 755/QĐ-TTg (2013-2015) và QĐ 2085/QĐ-TTg (2016-2020), NSH tập trung được ngân sách “khoán” hỗ trợ 1,3 tỷ đồng/công trình. Còn với NSH phân tán, mỗi hộ được hỗ trợ 1,3 triệu đồng/công trình (riêng QĐ 2085/QĐ-TTg nâng lên 1,5 triệu đồng/công trình/hộ).

Dù định mức hỗ trợ đã được nâng lên nhưng cũng không theo kịp sự gia tăng của giá cả nguyên vật liệu khiến không ít công trình NSH phải “sinh non”, tức là yếu cả về thiết kế xây dựng lẫn chất lượng thi công. Dưới tác động của BĐKH, những công trình “sinh non” này không tránh khỏi bị “chết yểu”.

Đưa BĐKH thành chỉ số đo lường

Tại phiên thảo luận về Đề án Tổng thể, ĐBQH Đinh Duy Vượt (tỉnh Gia Lai) cho rằng, một số chính sách do chỉ là hỗ trợ nên không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp vì hộ nghèo thì không có tiền để đóng góp.

Dẫn chứng với phương án hỗ trợ khoan giếng trong chính sách hỗ trợ NSH, định mức hỗ trợ cao nhất hiện nay là 1,5 triệu đồng (QĐ 2085/QĐ-TTg) thì hộ nghèo được thụ hưởng cũng không đủ kinh phí để thực hiện. Cách đây khoảng 15 năm, mỗi giếng khoan đã mất chi phí từ 1 - 1,5 triệu đồng tùy địa bàn; còn hiện nay, nước ngầm suy giảm, chi phí tăng lên hàng chục triệu đồng/giếng.

Quan điểm tiếp cận là đầu tư chứ không phải hỗ trợ là hoàn toàn đúng đắn trong xây dựng chính sách phát triển vùng DTTS và miền núi hiện nay. Trong bối cảnh BĐKH ngày càng phức tạp thì chuyển từ hỗ trợ sang đầu tư sẽ bảo đảm hiệu quả lâu dài của chính sách, trong đó có chính sách cấp NSH.

Tại phiên thảo luận, ĐBQH Dương Tấn Quân (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) nhấn mạnh, các chính sách giảm nghèo bền vững tới đây cần phải gắn với việc ứng phó BĐKH. Bởi chỉ qua một đợt thiên tai, kết quả giảm nghèo lại lùi một bước, hộ nghèo càng nghèo thêm.

Dẫn chứng rõ nhất là, trong đợt nắng hạn cuối tháng 7, đầu tháng 8/2019, nhiều hộ nghèo ở Nam Trung bộ phải mua nước để dùng với giá từ 60 – 80 nghìn đồng/1m3, cao gấp 10 lần so với nước máy. Là hộ nghèo, tức là thu nhập dưới 700 nghìn đồng/người/tháng, số tiền phải chi để mua NSH những ngày nắng hạn càng khiến quỹ tài chính của hộ nghèo thêm eo hẹp.

Nêu lên như vậy để thấy, NSH gắn chặt với hành trình giảm nghèo. Do đó, khi thiết kế chính sách, cấp NSH cần được đưa vào lĩnh vực ưu tiên để vừa bảo đảm an sinh, đồng thời cũng là điều kiện để đồng bào DTTS phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

(Báo DT&PT)

CHỦ ĐỀ CỦA NĂM

LIÊN KẾT