Du lịch sinh thái gắn với dịch vụ môi trường rừng nâng cao thu nhập cho người dân nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số

05:06 PM 05/12/2021 |  Lượt xem: 607 |  In bài viết | 

Du lịch sinh thái mang lại nhiều lợi ích cho người dân và công tác bảo vệ rừng.

Trong đó các dịch vụ mang lại thu nhập, tài chính trực tiếp là gỗ và các dịch vụ môi trường như bảo vệ rừng đầu nguồn, hấp thụ CO2 để giảm biến đổi khí hậu và du lịch sinh thái văn hóa. Trong khi đó, các dịch vụ khác đang ở giai đoạn tiềm năng nhưng sẽ có giá trị cao và lâu dài như cung cấp di truyền đa dạng sinh học của rừng hoặc các giá trị về thẩm mỹ, sức khỏe cho con người. Các dịch vụ được cung cấp có thể ở mức địa phương, quốc gia cho đến toàn cầu và nó mang lại lợi ích cho cá nhân, cho đến cộng đồng quốc tế.

Các khu vực rừng đặc dụng và rừng phòng hộ có diện tích lớn và trải dài trên cả nước, tạo những điều kiện thuận lợi trong xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, thám hiểm, du lịch khám phá cảnh quan thiên nhiên... Bên cạnh đó, diện tích rừng phòng hộ và đặc dụng trải dài tạo ra những cơ hội phát triển du lịch sinh thái đồng đều trên cả nước, tạo ra đa dạng hơn các sản phẩm du lịch tại mỗi địa phương. Trong tổng số 167 khu rừng đặc dụng và 216 khu rừng phòng hộ, có 67 khu có tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái có 25/33 vườn quốc gia.

Theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cũng như dịch bệnh Covid-19, nên kinh phí từ dịch vụ môi trường đạt thấp, dự kiến giảm so với năm 2020.

Theo số liệu tổng hợp từ Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Trung ương, năm 2020, tổng diện tích rừng được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng của các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng quản lý là trên toàn quốc là 3.074.280 ha và tương ứng với tổng số tiền là 1.147,7 tỷ đồng, giảm 7,52 % so với cùng kỳ năm 2019.

Tổng số tiền được hưởng tiền dịch vụ môi trường của Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng tại một số địa phương có tổng số tiền cao, đứng đầu là một số tỉnh như Lai Châu, Lâm Đồng, Quảng Nam và Kon Tum. Kết quả cụ thể được thể hiện tại Biểu đồ sau:

Biểu đồ: Kinh phí dịch vụ môi trường rừng đặc dụng và phòng hộ của một số địa phương tiềm năng.

Nhận thức được tầm quan trọng của rừng trong phát triển du lịch sinh thái, nhiều tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, ngành chức năng gắn bảo vệ và phát triển rừng với triển khai đồng bộ các chính sách xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Thông qua việc khai thác thế mạnh của rừng trong phát triển du lịch sinh thái, gắn với thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, phát triển tài nguyên rừng. Từ đó, góp phần tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái, hướng tới phát triển du lịch xanh, bền vững.

Nguồn kinh phí từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo nguồn lực tài chính quan trọng, bền vững, góp phần giúp các khu rừng đặc dụng, phòng hộ quản lý, bảo vệ rừng, góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ít người vùng đệm các khu rừng đặc dụng, phòng hộ.

Để đồng bào DTTS có điều kiện ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập, Ủy ban Dân tộc đã tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án, chính sách dân tộc tại vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14, trong đó trọng tâm là “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030” theo Nghị quyết số 120/2020/QH14 gồm 10 dự án, trong đó có Tiểu dự án 1 của dự án 3: “Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân”. Với mục tiêu đến năm 2025: Tạo việc làm, thu nhập cho người dân làm nghề rừng, gắn với giảm nghèo, trong đó tăng mức thu nhập bình quân của người DTTS trên 2 lần so với năm 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng DTTS và miền núi mỗi năm trên 3%; cụ thể đến năm 2025 hỗ trợ cho 3.200 thôn phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng; Mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu có 80% số hộ nông dân người DTTS làm kinh tế nông lâm nghiệp hàng hóa.

Trong thực tế, việc du lịch sinh thái gắn với dịch vụ môi trường rừng nâng cao thu nhập cho người dân nhất là vùng đồng bào DTTS cũng là một thách thức lớn. Vì, hoạt động du lịch sinh thái ở các khu rừng phòng hộ đến nay rất hạn chế, do cơ sở vật chất đầu tư cho du lịch nghèo nàn, cán bộ triển khai thực hiện năng lực hạn chế… Hiện nay, mới có 6/216 khu rừng phòng hộ có tổ chức hoạt động du lịch sinh thái.

Để nâng cao chất lượng du lịch sinh thái gắn với dịch vụ môi trường rừng cần linh hoạt triển khai một số hoạt động trước mắt như:

Hoạt động du lịch sinh thái được tiếp tục quan tâm và đẩy mạnh, duy trì hoạt động đón và phục vụ du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí; tiếp tục phối hợp với các đơn vị lữ hành tổ chức, cung cấp thông tin cho du khách và kết nối để các đơn vị đưa khách thăm quan; hướng dẫn tuyên truyền cho du khách về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ rừng.

Tăng cường công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng trong bối cảnh biến đổi khí hậu; xử lý nghiêm cá tổ chức, cá nhân vi phạm; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư trồng rừng sản xuất thâm canh có hiệu quả.

Thu hút đầu tư vào trồng rừng sản xuất và chế biến lâm sản, phát triển du lịch sinh thái. Đồng thời, xây dựng, cải tạo các điểm, các tuyến du lịch để tạo sự hấp dẫn cho du khách và luôn chú ý bảo vệ rừng, không làm tổn hại đến cảnh quan và môi trường sinh thái.

Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc các đơn vị cơ sở tuần tra, kiểm soát tại rừng, nhằm bảo vệ rừng tận gốc; chốt chặn tại khu vực “điểm nóng” về vận chuyển lâm sản trái phép.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học ở cơ sở, phối hợp chặt chẽ với chính quyền cấp xã sớm triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng; thiết lập mối liên hệ chặt chẽ giữa Ban quản lý với chính quyền và cộng đồng dân cư địa phương để có sự đồng thuận, hỗ trợ công tác quản lý bảo vệ rừng, phục vụ công tác bảo tồn thiên nhiên ở khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

Kim Hằng

CHỦ ĐỀ CỦA NĂM

LIÊN KẾT