Điện Biên: Xây dựng cộng đồng ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu
12:00 AM 04/09/2019 | Lượt xem: 263 In bài viết |Những năm qua, việc xây dựng cộng đồng ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu đã được tỉnh Điện Biên quan tâm, chú trọng. Thông qua các giải pháp đồng bộ đã làm chuyển biến cơ bản về nhận thức, trách nhiệm và hành động của cộng đồng về vai trò, vị trí tầm quan trọng đối với công tác ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Bà Đặng Thị Hồng Loan, Trưởng phòng Tài nguyên nước, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở TN&MT Điện Biên cho biết: Chủ động thích ứng với BĐKH, tỉnh Điện Biên đã đề xuất danh mục dự án thực hiện triển khai Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh.
Theo đó, chú trọng hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sử dụng những giống chịu hạn, chịu lạnh, thích ứng với BĐKH theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chuỗi liên kết bền vững và sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và chọn giống, quy trình kỹ thuật thâm canh, mô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; sản xuất phải gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái... nhằm giảm tổn thất do BĐKH.
Một trong những giải pháp quan trọng được tỉnh Điện Biên tập trung triển khai là thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, hướng đến hình thành những vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tăng giá trị sản phẩm, tạo chuỗi an toàn bền vững. Xây dựng và triển khai các mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, áp dụng quy trình xây dựng các bể Biogas xử lý phế thải trong chăn nuôi vừa giảm ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính và sử dụng men vi sinh để xử lý phân gia súc, gia cầm, nuôi lợn trên đệm lót sinh học…
Cùng với đó, khuyến khích tăng cường khảo nghiệm giống mới và ứng dụng các giống mới có khả năng chống chịu, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, năm 2013 trên địa bàn tỉnh đã tiến hành khảo nghiệm 1 giống lúa DT39 và 2 giống ngô lai (HT818, NK4300). Đến năm 2017, thông qua kết quả khảo nghiệm, đã bổ sung 5 giống cây trồng vào cơ cấu giống của tỉnh bao gồm ba giống lúa: J02, TBR 225, Sơn lâm 2 và hai giống ngô: LVN125, LVN092.
Các mô hình cộng đồng ứng phó với BĐKH, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng các biện pháp cải tiến trong sản xuất nông nghiệp đã được triển khai rộng rãi giúp giảm tổn thất do BĐKH gây ra. Từ đó, nhận thức của người dân về BĐKH đã được nâng lên. Người dân chủ động lựa chọn biện pháp thay đổi canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình thực tế và mang lại hiệu quả kinh tế.
Bên cạnh đó, tỉnh Điện Biên cũng đẩy mạnh nâng cấp hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng nhằm tăng cường nhận thức và năng lực của cán bộ y tế và cộng đồng trong việc bảo vệ sức khỏe và ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh. Tăng cường tập huấn đào tạo về chuyên môn, kỹ thuật, phương pháp, xây dựng kế hoạch triển khai các giải pháp ứng phó với BĐKH đối với các vùng dễ bị tổn thương nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, cán bộ y tế dự phòng và các cơ sở khám chữa bệnh. Tăng cường hệ thống giám sát và cảnh báo tác động của BĐKH đến sức khỏe, thực hiện mục tiêu tăng tỷ lệ người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản qua các năm.
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai tổ chức thực hiện đề án Thông tin, tuyên truyền về ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai trong trường học giai đoạn 2013 – 2020, đến các em học sinh, sinh viên, cán bộ, giảng viên, nhân viên, cha mẹ học sinh, cộng đồng dân cư thuộc địa bàn của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tuyên truyền về ứng phó với BĐKH, bảo vệ môi trường; phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH.
Đến thời điểm hiện tại, 100% các cơ sở giáo dục, trẻ em, học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên, giảng viên, nhân viên toàn ngành; trên 65% cha mẹ, học sinh trong các cơ sở giáo dục, mầm non, phổ thông; 50% cộng đồng dân cư thuộc địa bàn các trường được tuyên truyền được nâng cao nhận thức và kĩ năng thông tin, truyền thông về ứng phó với BĐKH và phòng chống thiên tai.
Có thể nói, bằng những giải pháp đồng bộ trong việc xây dựng cộng đồng ứng phó với BĐKH đã giúp người dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên nâng cao hiểu biết về BĐKH, tác động của BĐKH, các giải pháp hạn chế cũng như cách sống chung thích ứng ảnh hưởng của BĐKH.