Điện Biên: Ô nhiễm môi trường từ chế biến dong riềng
12:00 AM 03/10/2019 | Lượt xem: 322 In bài viết |Nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường từ các hoạt động chế biến dong riềng trên địa bàn, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các địa phương triển khai việc ký cam kết đối với các chủ cơ sở thu mua, chế biến dong riềng, nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về xử lý chất thải, nước thải, không gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, những cam kết đó vẫn chỉ nằm trên giấy (!).
Khốn khổ vì ô nhiễm từ chế biến dong riềng
Xã Nà Tấu là địa phương có mức độ ô nhiễm môi trường nặng nhất từ hoạt động chế biến dong riềng. Theo thống kê của chính quyền địa phương, 10 cơ sở lớn trên địa bàn trung bình mỗi ngày sản xuất, chế biến khoảng 15 tấn củ/1 cơ sở, cao điểm chính vụ lên tới khoảng 30 tấn và thải ra môi trường hàng trăm mét khối nước bẩn.
Đầu tháng 10 năm nay khi chuẩn bị vào vụ thu hoạch củ dong riềng, 9/10 cơ sở đã ký cam kết với chính quyền địa phương, nghiêm túc thực hiện các quy trình xử lý bã thải, nước thải trước khi xả ra môi trường. Tuy nhiên qua kiểm tra thực tế ngày 12/11/2018 của phóng viên, nhiều cơ sở vẫn ngang nhiên xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Thực trạng này khiến những dòng suối đầu nguồn sông Nậm Rốm tiếp tục bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân, nước bẩn, độc hại xuôi theo các dòng suối tràn xuống cả vùng lòng chảo Điện Biên.
Tại xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, hơn 1 tuần nay, con suối Nậm Phăng đã trở thành dòng suối “chết” khi màu nước chuyển sang đen xì, bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Trên bề mặt suối nổi bọt và bã dong riềng khắp nơi, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt và hoạt động sản xuất của hàng nghìn người dân nơi đây. Đáng lo ngại là con suối này còn chảy thông ra hồ Pá Khoang, nguồn cung ứng nước tưới cho hàng chục nghìn ha đất nông nghiệp của lòng chảo Điện Biên.
Chị Cà Thị Ninh, người dân bản Đông Mệt 1, xã Mường Phăng bức xúc nói: “Nước bẩn, ô nhiễm môi trường lắm. Nước cho vào ao thì con cá nó chết hết. Mùa này thì bốc mùi thối, khó chịu lắm!”.
Không chỉ gây ô nhiễm các nguồn nước mặt chảy trực tiếp xuống vùng lòng chảo Điện Biên, bã thải, nước thải từ các cơ sở chế biến dong riềng còn ngấm xuống đất, làm hệ thống các mạch nước ngầm cũng bị ảnh hưởng, ô nhiễm nghiêm trọng.
Nằm sát ngay cạnh một cơ sở chế biến dong riềng, nhiều năm nay giếng nước duy nhất của Trạm Y tế xã Mường Phăng, huyện Điện Biên không thể sử dụng được vì mức độ ô nhiễm quá nặng. Y sĩ Lường Thị Thể, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Mường Phăng cho biết: “Chúng tôi cũng đã khắc phục, thau và rửa giếng rồi nhưng nước vẫn không sử dụng được, ảnh hưởng rất nhiều tới công tác khám, chữa bệnh và điều trị tại Trạm. Hiện tại, chúng tôi chỉ khắc phục bằng cách nhờ các hộ dân ở đây, lấy nhờ nước giếng bên nhà dân xung quanh, nhưng cũng có lúc không có nước nên ảnh hưởng rất lớn đến công tác khám chữa bệnh”.
Những cam kết chỉ nằm trên giấy
Trên địa bàn huyện Điện Biên hiện có 16 cơ sở đang hoạt động thu mua, chế biến củ dong riềng. Mỗi vụ trung bình xả thải hàng trăm tấn bã dong riềng ra các ao cạn xung quanh khu vực chế biến. Tuy nhiên các ao cạn này chỉ được đắp bằng đất, hoàn toàn không được phủ lót bạt để chống thấm. Với tần suất hoạt động liên tục thì chỉ sau khoảng 3 đến 4 ngày là sẽ đầy, tràn ra môi trường. Dù đã được yêu cầu thường xuyên cải tạo hệ thống thu gom, nâng cấp máy móc, ký cam kết bảo vệ môi trường, tuy nhiên theo lý giải của nhiều chủ cơ sở thì việc không tuân thủ các quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường là do không có kinh phí đầu tư.
Cuối năm 2017, sau khi có phản ánh của báo chí về thực trạng ô nhiễm môi trường do chế biến dong riềng, các ngành chức năng của tỉnh Điện Biên đã vào cuộc kiểm tra và tiến hành xử phạt 9 cơ sở sản xuất vi phạm với tổng số tiền là 85 triệu đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của chính quyền các địa phương thì việc xử phạt này chưa thực sự đủ sức răn đe, dẫn đến việc “nhờn luật” của các chủ cơ sở sản xuất chế biến dong riêng khi ký cam kết một đằng, làm một nẻo.
Ông Mùa A Kềnh, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Phăng cho rằng, giải pháp thời gian tới vẫn chỉ là tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm; phối hợp với các cơ quan chức năng cấp huyện, tỉnh để xử lý khi các chủ cơ sở chế biến dong riềng cố tình không chấp hành việc đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình hoạt động.
(Báo DT&PT)