Điện Biên Đông: Khó hoàn thành mục tiêu phát triển rừng

12:00 AM 07/08/2019 |  Lượt xem: 186 |  In bài viết | 

Người dân Điện Biên Đông đa phần sống phụ thuộc vào nương rẫy

Với xuất phát điểm là một huyện nghèo, điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, trên 90% dân số là đồng bào dân tộc, gần 50% hộ nghèo, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, kinh tế xã hội ở mức tăng trưởng thấp. Hoạt động kinh tế chủ yếu chủ yếu của người dân là làm nương rẫy, phụ thuộc vào nương rẫy. Nhiều diện tích rừng bị phá nhằm mục đích canh tác, phục vụ cuộc sống mưu sinh. Rừng bị phá, chỉ còn lại những khoảnh nương loang lổ, đất nương bị thoái hóa, bào mòn, rửa trôi, không thể canh tác…

Để phủ xanh đất trống, đồi trọc, tăng tỷ lệ che phủ rừng, hàng năm, huyện Điện Biên Đông cũng đã đề ra những chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển rừng. Ông Vũ Ngọc Hoành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Năm 2019, huyện Ðiện Biên Ðông được tỉnh giao chỉ tiêu trồng 52ha rừng sản xuất; khoanh nuôi tái sinh 1.200ha; trồng rừng thay thế 1,51ha. Tuy nhiên, nhiệm vụ trồng rừng trồng rừng sản xuất và khoanh nuôi tái sinh rừng của địa phương này một lần nữa lại rất khó hoàn thành bởi nhiều lý do, trong đó, hầu hết diện tích người dân đăng ký trồng rừng lại nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng.

Ðể hoàn thành chỉ tiêu giao và đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, huyện Ðiện Biên Ðông đã thành lập tổ công tác triển khai thực hiện trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ rừng và trồng rừng thay thế. Tổ công tác phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tổ chức họp dân, tuyên truyền chính sách bảo vệ và phát triển rừng tới các cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân; vận động người dân đăng ký trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng. Nhờ đó, nhân dân tích cực hưởng ứng và đã đăng ký trồng rừng sản xuất được 76ha.

Cũng theo ông Vũ Ngọc Hoành, việc người dân đăng ký trồng rừng vượt kế hoạch giao chứng tỏ người dân đã có suy nghĩ tiến bộ trong việc trồng rừng. Tuy nhiên, căn cứ vào danh sách và diện tích đăng ký trồng rừng sản xuất của các hộ dân, tổ công tác phối hợp với Trung tâm Quy hoạch và thiết kế nông lâm nghiệp tỉnh và UBND các xã, thị trấn rà soát và khảo sát thiết kế trồng rừng sản xuất thì hầu hết diện tích người dân đăng ký đều nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng, vì vậy không thể thiết kế trồng rừng; chỉ một số diện tích nhỏ nằm trong quy hoạch là có thể trồng rừng.

Cụ thể, trong tổng số 76ha người dân đăng ký chỉ có 5,89ha diện tích nằm trong quy hoạch rừng sản xuất và đủ điều kiện trồng rừng. Trong đó xã Pú Nhi đăng ký 10,7ha chỉ có 0,87ha đủ điều kiện; xã Noong U có 1,88ha/10,33ha đăng ký đủ điều kiện trồng rừng và xã Chiềng Sơ có 3,14ha/10,1ha đủ điều kiện trồng rừng. Còn tại các xã khác, người dân đăng ký trồng rừng nhưng nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng.

Năm 2019, xã Tìa Dình, được huyện Ðiện Biên Ðông giao chỉ tiêu trồng 2ha rừng sản xuất. Xã đã vận động người dân đăng ký trồng gần 5ha song đều nằm ngoài diện tích quy hoạch 3 loại rừng.

Ðối với khoanh nuôi tái sinh rừng, năm 2019 huyện Ðiện Biên Ðông được giao chỉ tiêu 1.200ha. Tuy nhiên đến nay, người dân mới đăng ký được 697,5ha, chủ yếu trên địa bàn xã: Tìa Dình (183ha); Pú Nhi (157ha); Mường Luân (124ha).

Chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai trồng rừng, ông Vũ Ngọc Hoành cho biết: Nguyên nhân do diện tích quy hoạch rừng sản xuất trên địa bàn các xã, thị trấn chủ yếu là đất đã có rừng, chỉ còn một số diện tích đất trống nhỏ lẻ đan xen với các diện tích nương do vậy rất khó khăn cho các hộ dân xác định ranh giới quy hoạch 3 loại rừng và quy hoạch nương để đăng ký trồng rừng. Nhiều diện tích quy hoạch lâm nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, nằm xen kẽ các diện tích đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp; còn người dân thì cứ thấy đất trống là đăng ký trồng rừng.

Bên cạnh đó, công tác thực hiện rà soát quy hoạch 3 loại rừng theo Quyết định 1208/QÐ-UBND ngày 21/12/2018 của UBND tỉnh chưa sát thực tế, việc triển khai rà soát quy hoạch và thực hiện quy hoạch chưa đến tận thôn, bản; chưa sát với tâm tư, nguyện vọng của người dân dẫn đến quá trình triển khai thực hiện đăng ký trồng rừng còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm từ khâu quy hoạch, rà soát quy hoạch 3 loại rừng.

Cùng với đó, định mức hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên và bảo vệ rừng thấp (400.000 đồng/ha/năm), không đảm bảo cuộc sống từ nghề rừng nên người dân không đồng ý bỏ đất nương để trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên. Bên cạnh đó, sản xuất lâm nghiệp có chu kỳ dài, nhưng giá thu mua gỗ thấp (khoảng 250 - 300 nghìn đồng/m3), vì vậy chưa thu hút được người dân tham gia.

Trong khi thời gian thực hiện trồng rừng năm nay đã kết thúc (từ tháng 5 – tháng 7/2019), nhiệm vụ phát triển rừng của Điện Biên Đông lại rơi vào “điệp khúc” không đạt chỉ tiêu đề ra. Điều đó cho thấy mục tiêu tăng tỷ lệ che phủ rừng lên 30% của địa phương này gần như chưa khả thi trong khoảng 4 năm (từ 2015 – 2019), tỷ lệ che phủ rừng của Điện Biên Đông chỉ tăng hơn 1,4%.

(Báo TN&MT)

CHỦ ĐỀ CỦA NĂM

LIÊN KẾT