Đắk Lắk: Dân kêu trời vì rác thải

01:47 PM 12/12/2017 |  Lượt xem: 560 |  In bài viết | 

Theo người dân địa phương, phần lớn rác thải là do người dân không có ý thức mang vứt ra hai bên đường, hoặc do không có lượng công nhân môi trường thu gom rác thải. Mặc dù chính quyền địa phương đã cắm biển báo khu vực nghiêm cấm đổ rác, nhưng người dân vẫn phớt lờ, vứt rác thải vô tội vạ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng….

Đơn cử, trên đường Phù Đổng Thiên Vương (đoạn nối giữa phường Thống Nhất với xã Ea Tul, huyện Cư Mgar, Đăk Lăk) ngập đầy các loại rác khiến người dân sinh sống tại khu vực này bức xúc. Một người dân địa phương, phường Thống Nhất bức xúc, chính quyền địa phương đã có xe thu gom rác thải đến từng nhà, nhưng không hiểu sao một số hộ dân vẫn xả rác thành đống ven đường. Để hạn chế mùi hôi thối và ô nhiễm môi trường, người dân xung quanh phải đốt bớt để giảm thiểu mầm bệnh.

Trước sự phản ánh của người dân trong khu vực, phường Thống Nhất (thị xã Buôn Hồ) cắm biển cấm đổ rác, nhưng vẫn không có tác dụng, rác vẫn tràn lan trên đoạn đường này. Người dân địa phương đã trình báo và kiến nghị chính quyền cần có biện pháp mạnh như xử phạt hành chính thật nặng để răn đe.

Tương tự, khi có dịp đi qua đoạn đường giáp ranh giữa phường Thống Nhất và xã Ea Siên (Buôn Dlung 2, xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ), người đi đường có thể chứng kiến rác thải ngập ra lòng đường… Theo đại diện chính quyền xã Ea Siên, bãi rác tự phát này thuộc địa phận của xã Ea Siên. Song, phần lớn rác thải lại do người dân ở phường Thống Nhất (thị xã Buôn Hồ) mang tới vứt. Chính quyền địa phương này cũng đã cắm biển báo khu vực nghiêm cấm đổ rác, nhưng người dân vẫn phớt lờ. Vào những ngày mưa, bãi rác tự phát này bốc mùi hôi thối nồng nặc…

Theo ông Nguyễn Bá Trung, Chủ tịch UBND phường Thống Nhất, nguyên nhân dẫn đến việc xuất hiện các bãi rác tự phát nói trên là do sự thiếu ý thức của người dân. Hơn nữa, địa phương đã có xe thu gom rác, nhưng phải đến 3 ngày mới đi thu gom một lần dẫn đến lượng rác tồn ứ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho người dân mang rác đi đổ bừa bãi.

Để xử lý những bãi rác tự phát, phường thường xuyên cử lực lượng đến đốt rác và những thời điểm rác thải quá nhiều thì thuê đơn vị môi trường đến dọn. Ngoài ra, phường cũng đã kiến nghị đơn vị thu gom rác tăng số lần thu gom rác mỗi ngày 1 lần…

Người dân thôn 3B và thôn 4, xã Ea Ô, huyện Ea Kar (Đăk Lăk) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, sự xuất hiện của bãi rác cách khu dân cư không quá 500 m thường xuyên bốc mùi hôi thối đã trở thành nỗi ám ảnh. Theo ông Trần Văn Tình, Trưởng thôn 3, 4 năm trước, UBND xã quy hoạch đỉnh đồi nằm giữa thôn 3B và thôn 4 làm nơi trung chuyển, tập kết rác của xã cả rác thải sinh hoạt và xác động vật chết… đều được tập trung tại khu vực này.

Nhiều thời điểm rác thải quá nhiều tràn cả ra đường đi… Tuy nhiên, việc đốt rác giữa đỉnh đồi không chỉ khiến cho diện tích cây trồng xung quanh không thể ra trái mà người dân ở khu vực này cũng khốn đốn vì khói bụi và mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Theo người dân địa phương, khu vực bãi rác là đầu nguồn nên việc chôn lấp rác tại đây làm ảnh hưởng tới nguồn nước giếng đào của người dân. Vào mùa mưa, nước từ trên đồi, nhất là khu vực bãi rác ngấm vào lòng đất, chảy xuống khu dân cư. Dù chưa có cơ quan chức năng nào xác định về tác hại của bãi rác nhưng những năm gần đây không ít người dân khu vực này bị các bệnh về đường hô hấp, tiêu chảy…

Chính quyền xã Ea Ô, huyện Ea Kar (Đăk Lăk) cũng thừa nhận, việc tập kết, chôn lấp rác ở vị trí trên là không bảo đảm vệ sinh môi trường. Ông Võ Huy Khôi, Chủ tịch UBND xã Ea Ô cho biết, trước thực trạng này, các sở, ban ngành cấp trên đã đồng ý bố trí cho xã Ea Ô một lò đốt rác trong thời gian tới ngay tại đỉnh đồi giữa thôn 4 và thôn 3B…

Ở một diễn biến khác, theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đăk Lăk, trên địa bàn hiện có 15 điểm chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, với tổng diện tích khoảng 59,5ha, năng lực tiếp nhận chất thải rắn bình quân khoảng 520 tấn/ngày. Trong đó, bãi chôn lấp rác lớn nhất tại thôn 3 xã Cư Êbur TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) tiếp nhận hơn 228 tấn/ngày.

Song hiện chỉ có ô chôn lấp số 1 của dự án mở rộng bãi chôn lấp chất thải rắn tại xã Cư Êbur và bãi chôn lấp rác thải của huyện Cư Kuin được đầu tư một số hạng mục cơ bản theo tiêu chuẩn bãi chôn lấp hợp vệ sinh, các bãi rác còn lại khu vực chôn lấp không lót đáy chống thấm và hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác. Rác thải ở đây chỉ được xử lý bằng cách phun thuốc khử mùi, diệt ruồi, sau đó đốt, chôn lấp thủ công nên tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cho các khu vực xung quanh.

Thiết nghĩ, trước thực trạng việc tràn ngập rác thải ở nhiều khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk như hiện nay, chính quyền địa phương cần có giải pháp căn cơ như quy hoạch có tầm nhìn dài hạn, tăng cường đầu tư hạ tầng xử lý rác thải, có thể xã hội hóa việc thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn. Tuy nhiên, trước mắt chính quyền tỉnh cần có giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của mọi người trong việc bảo vệ môi trường, nguy cơ ô nhiễm môi trường từ nguồn rác sinh hoạt, sản xuất…

PV

CHỦ ĐỀ CỦA NĂM

LIÊN KẾT