Cùng hành động để thay đổi thế giới

09:41 PM 09/11/2020 |  Lượt xem: 227 |  In bài viết | 

Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức sự kiện truyền thông trực tuyến "Tử tế vì môi trường" sáng 20/9/2020

Bảo vệ môi trường từ lâu đã trở thành mục tiêu và là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững. Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn do Australia khởi xướng từ năm 1993 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu vào tuần thứ ba của tháng 9 hằng năm.

Tại Việt Nam, trong nhiều năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cùng với các bộ, ngành và địa phương trên cả nước tổ chức thành công nhiều sự kiện hưởng ứng ngày Làm cho thế giới sạch hơn với nhiều hoạt động thiết thực góp phần không nhỏ nâng cao nhận thức và ý thức của người dân về bảo vệ môi trường.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sáng 20/9, Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức sự kiện truyền thông trực tuyến "Tử tế vì môi trường", lan tỏa tinh thần, trách nhiệm và kêu gọi những hành động thiết thực từ mỗi cá nhân, gia đình, xã hội và cộng đồng để xây dựng môi trường sống của chúng ta xanh, sạch, đẹp, bền vững.

Do đặc thù sinh học, phụ nữ chịu tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường nhiều hơn nam giới, nhưng cũng đồng thời là nhân tố tích cực, là lực lượng quan trọng trong bảo vệ môi trường sống. Với trách nhiệm của mình, trong những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với với các bộ, ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động phong phú để vận động hội viên, phụ nữ chủ động, tích cực tham gia bảo vệ môi trường bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả. Đặc biệt thông qua Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" trong đó các tiêu chí "sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ" góp phần thực hiện hiệu quả tiêu chí về môi trường.

Hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2020, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã kêu gọi hội viên, phụ nữ, các tổ chức, cá nhân hãy cùng chung tay bảo vệ môi trường bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như: Từ bỏ sử dụng túi nilon khó phân huỷ, đồ nhựa dùng một lần; khuyến khích sử dụng các sản phẩm dễ phân huỷ, có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường; tích cực tham gia các hoạt động làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải; thực hiện phân loại rác từ gia đình…

Với mạng lưới tổ chức đến tận thôn bản, hơn 104 nghìn chi hội trưởng, 245 nghìn tổ trưởng và hơn 19 triệu hội viên, các hoạt động bảo vệ môi trường của Hội LHPN Việt Nam đã lan tỏa thông điệp tử tế vì môi trường, cùng hành động để thay đổi thế giới đến đông đảo mọi tầng lớp phụ nữ từ mọi vùng miền, dân tộc, lứa tuổi, ngành nghề…

Nhiều mô hình hay đã được phát động tại các cấp Hội như: Mô hình "Gạch sinh thái" (Quảng Ninh, Lai Châu); mô hình "Đổi rác nhựa lấy giỏ xách", "Phụ nữ xử lý rác thải văn minh- biến rác thải thành tiền", "Phụ nữ không sử dụng rác thải nhựa một lần trong sinh hoạt" (TP. Hải Phòng); mô hình "Phụ nữ nói không với túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần" (Bắc Giang); mô hình "Thùng thu gom rác thải nhựa", "Trồng cây chuối lấy lá", "Thu gom pin cũ", "Sử dụng túi, ống hút thân thiện với môi trường" (Đà Nẵng); mô hình "Phụ nữ xách giỏ đi chợ - Hãnh diện của người nội trợ - Chung tay hạn chế túi nilon" (Ninh Thuận)…

Thực hiện kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ ngành, địa phương, đơn vị cũng đề ra lộ trình hành động giảm thiểu chất thải nhựa theo từng lĩnh vực. Thứ trưởng Bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, một trong những nội dung chính của Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2020 là xoay quanh chủ đề giảm thiểu rác thải nhựa. Các đơn vị sẽ tập trung vào thực hiện 3R (giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế) chất thải, coi chất thải là tài nguyên.

Phong trào chống rác thải nhựa trong hơn một năm qua là minh chứng rõ nhất cho những nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, từ việc ban hành các chính sách đến các đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, cũng như thay đổi nhận thức trong cộng đồng và từng người dân.

Về hành động thực tế, chuyển động lớn nhất từ phía người sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhựa là việc 13 doanh nghiệp bắt tay nhau thành lập Liên minh Tái chế bao bì (PRO Vietnam). Ngoài ra, rất nhiều hoạt động giảm thiểu, tái chế, thay thế túi nilon bằng sản phẩm thân thiện môi trường được triển khai tự phát hoặc ở nhiều quy mô, như mô hình quán cà phê xanh sử dụng ống hút tre, dùng làn đi chợ cho hội viên, khuyến khích sử dụng túi giấy, gói hàng bằng lá chuối…

Những hoạt động có ý nghĩa này đã lan tỏa rộng khắp trên cả nước và đang thay đổi nhận thức trong từng người dân, nhằm nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường để làm cho thế giới trở nên sạch hơn.

CHỦ ĐỀ CỦA NĂM

LIÊN KẾT