Chính sách chi trả DVMTR ở Điện Biên Đông - Nguồn lực để phát triển rừng bền vững
12:00 AM 15/08/2019 | Lượt xem: 188 In bài viết |Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã và đang ngày càng khẳng định hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Bên cạnh việc tạo lập cơ sở kinh tế bền vững cho các chủ rừng yên tâm bảo vệ rừng, chính sách này ngày càng khẳng định là một nguồn lực quan để bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Năm 2019 là năm thứ 7 huyện Ðiện Biên Đông (Điện Biên) thực hiện chi trả tiền DVMTR theo Nghị định 99/2010/NÐ-CP cho 13 xã gồm: Keo Lôm, Pu Nhi, Noong U, Na Son, Sa Dung, Phì Nhừ, Phình Giàng, Pú Hồng, Mường Luân, Luân Giói, Chiềng Sơ, Háng Lìa và Tìa Dình, với tổng diện tích được chi trả là gần 16.000ha. Ðối tượng được chi trả gồm 137 chủ rừng là cộng đồng các thôn, bản và 190 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân.
Năm 2018, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên thực hiện chi trả tiền DVMTR cho 327 chủ rừng là hộ gia đình, cộng đồng, tổ chức của huyện. Tổng diện tích quy đổi nghiệm thu được chi trả cho gần 16.000ha, với số tiền trên 6,6 tỷ đồng.
Ông Mùa Chống Dính, Chủ tịch UBND xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, cho biết: Pu Nhi có tổng diện tích tự nhiên gần 7.700ha; trong đó, đất lâm nghiệp 4.500ha, đất có rừng 3.000ha. Diện tích rừng được chi trả tiền DVMTR của xã là 3.000ha, giao cho 17 hộ gia đình, 22 cộng đồng thôn, bản quản lý bảo vệ.
Năm 2018, Quỹ đã thanh toán 120 triệu đồng tiền DVMTR cho các cộng đồng nhận khoanh nuôi, bảo vệ. Từ khi được hưởng chính sách chi trả DVMTR, nhiều hộ dân, chủ rừng đã cam kết bảo vệ tốt diện tích rừng được giao, tiếp tục khoanh nuôi tái sinh rừng, đồng thời tích cực đăng ký trồng rừng tại các khu đất trống, đồi trọc, nương bạc màu. Tiền DVMTR được nhân dân các bản đầu tư làm nhà văn hóa, mua bàn ghế, làm đường giao thông, làm sân bóng đá cho thanh, thiếu niên.
Nhờ thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR nên thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Ðiện Biên Đông cơ bản đảm bảo, giữ vững diện tích rừng hiện có.
Theo ông Lường Văn Hương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ðiện Biên Đông, đến nay toàn bộ diện tích rừng tự nhiên và rừng sản xuất huyện đã giao cho cộng đồng dân cư và hộ dân quản lý, bảo vệ. Nhờ chính sách chi trả DVMTR, ý thức bảo vệ rừng của người dân được thụ hưởng đã có những chuyển biến tích cực. Qua đó, gắn được trách nhiệm và lợi ích của người dân đối với rừng, từ đó có những biện pháp ngăn chặn hành vi xâm hại rừng.
Tại những khu vực được hưởng chính sách chi trả DVMTR, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chủ rừng, các bộ phận nhận khoán bảo vệ rừng với chính quyền địa phương, hạt kiểm lâm trong công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Thời gian tới, Hạt sẽ tiếp tục phối hợp cùng Quỹ tăng cường tuyên truyền đến người dân chính sách chi trả DVMTR để công tác quản lý, bảo vệ rừng đạt hiệu quả cao hơn.
Cùng với triển khai đầy đủ chính sách chi trả DVMTR, từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên Đông phối hợp với các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tại 10% các thôn, bản, thu hút hơn 20.500 người tham gia học tập, ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của người dân trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép; góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển nông - lâm nghiệp trên địa bàn huyện. Người dân được hưởng lợi từ rừng, nâng cao chất lượng đời sống nên ngày càng có ý thức bảo vệ rừng tốt hơn, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn huyện đạt gần 27%.
(Báo TN&MT)