Cấp nước tập trung nông thôn: Hướng đến các yếu tố bền vững
12:00 AM 18/08/2019 | Lượt xem: 336 In bài viết |Công trình điểm
A Rế, thôn 5, xã Đăk La (Đăk Hà) cầm ca lấy nước trực tiếp từ hệ thống cấp nước tập trung của Trạm cấp nước sinh hoạt Đăk La đưa lên uống và khoe: Nước mát và đảm bảo an toàn. Từ nhiều năm nay, gia đình tôi cũng như bà con ở đây uống nước này, chưa thấy ai bị bệnh đường ruột do nước.
“Trước đây khi Nhà nước chưa đầu tư xây dựng công trình cấp nước, gia đình phải đi xách nước giếng về dùng. Khi công trình được đầu tư xây dựng, ban đầu người dân băn khoăn sợ dùng nước phải trả chi phí lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống. Tuy nhiên, thực tế do được tỉnh trợ giá nên chi phí sử dụng nước không đáng kể. Hằng tháng, gia đình tôi dùng khoảng 6-7m3 nước và thanh toán khoảng 18-20 nghìn đồng”, A Rế tâm sự.
Theo anh Nguyễn Thanh Đức, Trạm trưởng Trạm cấp nước sinh hoạt xã Đăk La, kể từ khi xây dựng nhà máy cấp nước đến nay, Trạm luôn bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân. Nhà máy cấp nước có công suất 1.440m3 nước/ngày đêm và hiện nay đang cấp nước cho 1.300 hộ của 10/11 thôn của xã; 4 doanh nghiệp, các trường học, Trạm Y tế và UBND xã Đăk La cũng đều sử dụng nguồn nước này.
Ở công trình cấp nước sạch Cụm xã Đăk Hring (Đăk Hà)-Diên Bình (Đăk Tô) có công suất 1.600 m3 nước/ngày đêm đang cấp nước cho trên 1.700 hộ dân cũng đang phát huy hiệu quả. Công trình này do Trạm cấp nước sinh hoạt Cụm xã Đăk Hring-Diên Bình quản lý, vận hành cũng được vận hành, khai thác tốt, bảo đảm an toàn cho người dân sử dụng.
Theo ông Đặng Trần Huân, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, hiện nay, Trung tâm đang quản lý vận hành công trình cấp nước sinh hoạt Đăk La và cấp nước sinh hoạt cụm xã Đăk Hring-Diên Bình. Cả hai công trình cấp sinh hoạt nước được khai thác hiệu quả, bảo đảm các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn và có thu tiền sử dụng nước để tái đầu tư cho công tác quản lý, vận hành công trình.
Hướng đến sự bền vững
Từ hiệu quả của việc khai thác, quản lý vận hành và thực hiện chiến lược quốc gia về nước sạch, ông Đặng Trần Huân cho biết, Chương trình nước sạch sạch nông thôn ở tỉnh đang hướng đến việc cấp nước sạch, an toàn và bền vững cho người dân dân nông thôn. Trên thực tế, bằng các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án và sự quan tâm của Nhà nước, trong những năm qua, tỉnh Kon Tum đầu tư nhiều công trình cấp nước tập trung cho người dân nông thôn. Các công trình cấp nước tập trung phần lớn đều đến tận nhà và bảo đảm an toàn cho người sử dụng.
Tuy nhiên, công tác quản lý, vận hành ở một số công trình của cấp xã, thôn chưa được như mong muốn và thiếu tính bền vững, chủ yếu là do đời sống của người dân còn nghèo, khả năng chi trả phí sử dụng nước hạn chế; ý thức bảo vệ công trình cấp nước của một số hộ dân chưa cao, nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác duy tu, bảo dưỡng công trình chưa đáp ứng so với yêu cầu; một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý, vận hành và bảo dưỡng công trình; nhiều cán bộ quản lý, vận hành công trình chưa qua các lớp đào tạo, tập huấn...
Để phát huy hiệu quả công trình, việc thực hiện Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn ở tỉnh hiện nay, khi đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng phải hướng đến công tác quản lý và khai thác bền vững, góp phần thực hiện tốt mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở địa phương.