Cần sự bền vững trong khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề

02:58 PM 20/12/2017 |  Lượt xem: 413 |  In bài viết | 

Làng nghề Quảng Phú Cầu, Ứng Hòa, Hà Nội luôn là điểm nóng về ô nhiễm làng nghề

Đại biểu Quốc hội Bùi Huyền Mai

Pv: Đoàn ĐBQH TP Hà Nội vừa tổ chức thực hiện đợt khảo sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo đảm môi trường tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn TP Hà Nội. Qua khảo sát, bà có thể đánh giá về thực trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố?

 Đại biểu Quốc hội Bùi Huyền Mai:

Đây là đợt khảo sát đầu tiên của Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Khóa XIV, chuyên đề khảo sát lần này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của các vị ĐBQH trong Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đối với việc giữ gìn, bảo vệ môi trường, trong đó có giữ gìn và bảo vệ môi trường các làng nghề truyền thống trên địa bàn Thành phố. Qua khảo sát, có thể thấy tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề như: ô nhiễm khí bụi, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm chất thải, nguồn nước là đúng như phản ánh của cử tri cũng như báo chí đã nêu nhiều lần, thực sự đến mức báo động, cần có sự vào cuộc chung tay của tất cả các cấp, các ngành nói chung và trong đó có các ĐBQH.

Pv: Không thể phủ nhận, các cụm công nghiệp và làng nghề đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước cũng như giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, thực trạng ô nhiễm tại các khu kinh tế và khu công nghiệp, đặc biệt ở các làng nghề, đã gây ảnh hướng rất lớn tới đời sống của nhân dân. Qua khảo sát, theo bà, nguyên nhân chính của thực trạng trên là do đâu?

Đại biểu Quốc hội  Bùi Huyền Mai:

Đợt khảo sát lần này của Đoàn có sự đổi mới, không chỉ dừng lại ở việc xem xét báo cáo mà kết hợp đi thực tế tại một số làng nghề, cụm điểm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội. Theo tôi, thực trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trên địa bàn thành phố là có, việc giải quyết thế nào, cần cơ chế chính sách gì cho hoàn thiện đang là bài toán đặt ra. Như chúng ta thấy, mỗi địa phương, mỗi làng nghề, mỗi nghề truyền thống đều có đặc thù khác nhau. Do đó, chúng ta chỉ có một chính sách đồng loạt, cào bằng thì sẽ khó phù hợp. Ví dụ, Tại các làng nghề chế biến nông, hải sản trong quá trình chế biến, sản xuất sử dụng rất nhiều nước và xả thải ra nhiều nước, thì cần phải có cụm xử lý nước thải tập trung để xử lý cho toàn bộ các cơ sở sản xuất trong khu vực. Thế nhưng, với những làng nghề sản xuất đặc thù như làng gốm sứ thì không có nước thải để xử lý, cho nên việc đầu tư vào mỗi một mô hình cần có tính đặc thù khác nhau.

Qua đây, tôi mong muốn, cần điều chỉnh cơ chế, chính sách làm sao cho phù hợp theo hướng xây dựng “khung” chính sách, căn cứ vào điều kiện, thực tế ở mỗi địa phương thì HĐND-UBND cấp tỉnh quy định cụ thể.

Đại biểu Quốc hội Bùi Huyền Mai phát biểu

Pv: Các khu công nghiệp, làng nghề cũng là nơi giải quyết lực lượng lớn lao động nên có ý kiến cho rằng, nếu đóng cửa cơ sở sản xuất để xử lý ô nhiễm môi trường thiên nhiên thì việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động cần tính ra sao, thưa bà?

Đại biểu Quốc hội Bùi Huyền Mai:

Đây là thực tế rất rõ, không thể phủ nhận các làng nghề đã tồn tại rất lâu, không chỉ các làng nghề mới ở trong các điểm tiểu thủ công nghiệp tập trung, mà ngay ở trong mỗi làng đều có nghề để giải quyết một số lao động nông thôn, trong thời gian nông nhàn để người dân cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống, điều đó Nhà nước rất khuyến khích nhưng phải bảo đảm môi trường. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nếu ta quyết liệt xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở sản xuất làng nghề truyền thống thì chắc chắn sẽ đặt ra bài toán là lao động nông thôn không có việc làm, không có thu nhập và sẽ khó đạt tiêu chí trong quá trình xây dựng NTM.

Theo tôi, một trong những giải pháp quan trọng đó là xác định rõ, thẩm quyền trách nhiệm của các cấp chính quyền, trách nhiệm của các hộ sản xuất trong việc bảo vệ môi trường làng nghề. Bên cạnh đó, cần kiên quyết và nhất quán trong việc đầu tư kinh phí cho những làng nghề có quy hoạch khu sản xuất tập trung hoặc ưu tiên, bố trí quỹ đất để di dời các cơ sở (nhất là đối với các công đoạn gây ô nhiễm), không tạo thói quen ỷ lại cho các hộ sản xuất. Thành phố hỗ trợ, tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển gắn với bảo tồn các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của làng nghề.

Pv: Sau giám sát, bà có kiến nghị, đề xuất giải pháp gì để bảo đảm vừa phát triển làng nghề, tạo công ăn việc làm cho người lao động, vừa bảo đảm ô nhiễm môi trường?

Đại biểu Quốc hội Bùi Huyền Mai: 

Đây là bài toán luôn luôn đặt ra, làm sao để vừa phát triển kinh tế nhưng bảo đảm được môi trường. Do đó, cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước. Sau đợt giám sát này, trên cơ sở các thu thập thực tế và thu thập số liệu, đánh giá thực trạng, tìm hiểu một cách khách quan đầy đủ toàn diện, chúng tôi sẽ có đánh giá cụ thể. Từ đó, sẽ kiến nghị với các cơ quan Trung ương và thành phố hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, xử lý chất thải tại các làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề là một quá trình lâu dài, với lộ trình hợp lý và cụ thể. Các Bộ ngành trung ương, chính quyền địa phương các cấp và các cơ sở sản xuất làng nghề phải cùng vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ và nhịp nhàng vì các mục tiêu phát triển bền vững.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

(PV)

CHỦ ĐỀ CỦA NĂM

LIÊN KẾT