Cần có những quy định đặc thù cho người sử dụng đất là cá nhân hay cộng đồng dân tộc thiểu số
10:14 AM 15/10/2021 | Lượt xem: 226 In bài viết |Chưa quy định cụ thể về quyền sử dụng đất đai của các cộng đồng DTTS
Theo Báo cáo Kết quả giám sát và kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 của Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hiện Luật Đất đai 2013 còn một số vướng mắc, bất cập trong quy định về quyền sử dụng đất đai của cộng đồng dân tộc thiểu số.
Cụ thể, Luật Đất đai chưa quy định cụ thể về quyền sử dụng đất đai của các cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS). Công nhận quyền sử dụng đất của cộng đồng DTTS chung với cộng đồng dân cư chưa được coi là phù hợp. Điều 7, 54, 62, 75, 78, 81 của Luật liên quan trực tiếp đến quyền tiếp cận đất của các cộng đồng DTTS. Điều chỉnh quan hệ giao đất, thu hồi đất, quản lý, sử dụng đất liên quan đến các cộng đồng DTTS cũng giống như các cộng đồng dân cư khác rõ ràng là không gắn với những đặc trưng về văn hóa, trình độ phát triển và sinh kế của các cộng đồng dân cư.
Luật Đất đai 2013 hiện hành và Luật Lâm nghiệp 2017 chưa tích hợp các vấn đề liên quan đến đất và rừng của cộng động DTTS
Bên cạnh đó, Luật Đất đai 2013 có một số quy định dành riêng cho cộng đồng DTTS trong các điều 27, 110, 133 và 192. Tuy nhiên các quy định này chỉ trao cho các cộng đồng DTTS và các cá nhân, hộ gia đình trong đó một số ưu đãi về thuế trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Với cách tiếp cận này, các quy định của Luật Đất đai 2013 cũng như các văn bản bản hướng dẫn thi hành về giao đất, quản lý, sử dụng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất liên quan đến cộng đồng dân cư sẽ khó giúp xử lý hiệu quả các vấn đề đất đai của các cộng đồng DTTS.
Mặt khác, Luật Đất đai chưa tạo ra được một quy chế pháp lý phù hợp cho đất cộng đồng mà cộng đồng DTTS được sở hữu và được giao quyền sử dụng đất như hiện nay. Việc luật hóa đất của cộng đồng DTTS sẽ tạo nền tảng cho các giải pháp giao đất, quản lý, thu hồi đất, sử dụng đất phù hợp với đặc trưng của các cộng đồng này.
Ở nước ta, đặc biệt là ở khu vực Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên và Bắc Trung bộ, đa số các cộng đồng DTTS bản địa chủ yếu cư trú ở vùng núi cao. Đất rừng và rừng gắn với nhau tạo thành thành yếu tố quyết định cho sinh kế và sự bảo tồn các đặc trưng văn hóa của cộng đồng DTTS bản địa. Luật chưa có sự gắn kết chặt chẽ việc giao rừng với giao đất, quản lý rừng với quản lý đất của cộng đồng DTTS, nhất là cộng đồng DTTS bản địa.
Đồng thời, các phương thức quản lý đất đai theo Luật mặc dù chi tiết, nhiều cấp độ song chưa thể phát huy được hiệu quả trong việc xử lý các vấn đề đất đai của các cộng đồng DTTS. Một trong những hạn chế dễ nhận thấy là cơ chế quản lý đất đai hiện hành chưa chú trọng đến việc phát huy thể chế phi chính thức, chưa dựa vào cộng đồng.
Ở nhiều vùng DTTS bản địa, vai trò của già làng, của người có uy tín có vai trò và hiệu quả đặc biệt trong việc giải quyết nhiều tranh chấp, bao gồm cả tranh chấp đất đai, tranh chấp rừng. Chính sách và pháp luật hiện hành của Nhà nươc khuyến khích dân chủ cơ sở trong hầu hết các lĩnh vực quản lý phát triển. Các hương ước, các qui chế được xây dựng và ban hành phổ biến ở nhiều phường, xã, ở các cộng đồng dân cư trong đó có các cộng đồng DTST. Tuy nhiên, hầu như ít có những giải pháp quản lý nhà nước cụ thể gắn việc quản lý, sử dụng đất của các cộng đồng DTTS dựa trên luật tục, các hương ước hình thành từ bao đời và phát huy tác dụng rất tích cực.
Cuối cùng, Luật Đất đai 2013 hiện hành và Luật Lâm nghiệp 2017 chưa tích hợp các vấn đề liên quan đến đất và rừng của cộng động DTTS nhằm đáp ứng những đặc điểm của các cộng đồng DTTS. Luật Lâm nghiệp quy định giao rừng tín ngưỡng (thuộc rừng đặc dụng), rửng phòng hộ, rừng sản xuất cho cộng đồng dân cư.
Trong khi đó Luật Đất đai chỉ quy định giao đất rừng phòng hộ cho cộng đồng dân cư. Điều 136 Luật Đất đai năm, gần đây là Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai bổ sung mới quy định bổ sung giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư (khoản 33 Điều 2). Trình tự, thủ tục giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư chưa đồng bộ, thực hiện ở 02 ngành khác nhau: ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn và ngành tài nguyên - môi trường nên xảy ra hiện tượng giao đất nhưng chưa giao rừng hay giao rừng nhưng chưa làm thủ tục giao đất.
Luật Đất đai mới cần có những quy định đặc thù cho người sử dụng đất là cá nhân hay cộng đồng DTTS
Để giải quyết vấn đề này, Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề xuất, sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng các quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, về quản lý và sử dụng đất phải đáp ứng những đặc thù của người sử dụng đất là người DTTS, cộng đồng DTTS. Do đó, bên cạnh các quy định chung cho tất cả những người sử dụng đất, Luật Đất đai mới cần có những quy định đặc thù cho người sử dụng đất là cá nhân hay cộng đồng DTTS.
Đồng thời, thực hiện các biện pháp sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các nông lâm trường; hoàn thiện các quy định để giải quyết vướng mắc về bàn giao quản lý đất giữa nông, lâm trường với chính quyền địa phương; thực hiện giao đất, giao rừng cho hộ đồng bào DTTS
Ngoài ra, sửa đổi Luật đất đai năm 2013 theo hướng bổ sung quy định giao đất rừng tín ngưỡng, đất rừng sản xuất cho cộng đồng dân cư. Vì Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định giao rừng tín ngưỡng (thuộc rừng đặc dụng), rừng phòng hộ, rừng sản xuất cho cộng đồng dân cư (Điều 16), trong khi Luật Đất đai năm 2013 chỉ quy định giao đất rừng phòng hộ cho cộng đồng dân cư (Điều 136).
Xuân Thường