Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường giải trình một số nội dung liên quan đến thiên tai và môi trường
02:34 PM 09/11/2020 | Lượt xem: 217 In bài viết |Sáng 05/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia, chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, Bản Mồng. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có báo cáo giải trình làm rõ một số vấn đề.
Phát biểu tại hội trường, báo cáo làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chia sẻ với các ý kiến tâm huyết của các đại biểu Quốc hội trước thảm họa đau thương liên tiếp xảy ra ở miền Trung ruột thịt, cũng như đề xuất nhiều vấn đề để giải quyết, trăn trở, có tầm quốc tế cũng như là quốc gia và địa phương. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng bày tỏ với trách nhiệm của người quản lý tài nguyên và môi trường, xin chia sẻ với những mất mát, khó khăn hiện nay, với những cán bộ chiến sĩ đang phải chống chọi, đang phải xẻ núi, mở đường để giải quyết những thảm họa này.
Cung cấp thêm một số thông tin mang tính chất khoa học, khách quan để Quốc hội và dư luận và người dân được biết và có thêm cơ sở để trao đổi, bàn bạc đưa ra những giải pháp có tính khả thi, đảm bảo các lợi ích trước mắt cũng như lâu dài, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết theo báo cáo của Ủy ban về rủi ro thiên tai của Liên hợp quốc vừa phát đi, cho thấy do biến đổi khí hậu cực đoan và thời điểm này đã đến điểm mà con người rất khó kiểm soát được tính cực đoan, khi nồng độ khí nhà kính đã đạt trên 400 đơn vị phần trăm. Cường độ cũng như tần suất trong 40 năm qua đã tăng 4 lần, trong đó bão và lũ chiếm khoảng 40%. Giai đoạn 1980-1999 chỉ có 4.212 các thiên tai được xác định là thiên tai lớn. Cho đến nay, năm 2000 đến năm 2019 đã có trên 7.348 thiên tai, trong đó loại hình thiên tai xảy ra nhiều nhất là lũ 3.254 lượt chiếm 44%, bão 2.043 lượt 28%. Theo đánh giá và thống kê 100 năm qua cho thấy thiệt hại thiên tai về tài sản và con người mặc dù là số lượng thiên tai tăng nhưng nguy cơ đến con người giảm đi. Điều này cũng được thống kê ở Việt Nam.
Việt Nam đứng ở trong vòng gọi là bão của tây nam Thái Bình Dương, một trong trung tâm bão. Việt Nam đứng thứ 7, một trong những quốc gia có cực đoan và rủi ro thiên tai cao nhất và đứng thứ 16 trong số các nước liên quan đến khí hậu cực đoan. Theo thống kê ở đây cho thấy, xu hướng của thế giới và khu vực thấy tính cực đoan của thời tiết tăng lên và điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, từ năm 2009, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm và chỉ đạo tiến hành hai chương trình nghiên cứu. Một chương trình nghiên cứu về dự báo lũ ống, lũ quét các tỉnh miền núi và Tây Nguyên và miền Trung. Chương trình thứ hai liên quan đến chương trình điều tra, dự báo cảnh báo các sạt lở ở các khu vực vùng núi Tây Nguyên, Tây Bắc và miền Trung bắt đầu từ năm 2012. Trên cơ sở các kết quả này đã xem xét lại các vụ việc xảy ra trong thời gian qua. Cùng với đó cũng cần phải có nghiên cứu độc lập, đánh giá của các cơ quan khoa học và cơ quan quản lý.
Qua đánh giá cho thấy, hiện trạng của tất cả các điểm vừa xảy ra, là tổ hợp các dạng thiên tai. 4 cơn bão trong đó cơn bão số 9 là mạnh nhất trong 20 năm qua, hết sức nguy hiểm. Cùng với đó là, trạng thái vùng áp suất duy trì rất lâu ở miền Trung và nó tạo ra lượng mưa đã vượt qua các chỉ số đo lịch sử. Trong đó có những ngày lượng mưa như ở Quảng Nam lên đến trên 500mm/1 ngày và có những nơi trong suốt giai đoạn đó là lượng mưa được tính toán vượt qua con số từ 2.000 đến 4.000 mm. Với lượng mưa đấy có thể nói là trời đổ nước xuống chứ không phải là mưa nữa. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, đây là một vấn đề lịch sử và có lẽ chúng ta cũng chưa có số liệu để tính toán được những vấn đề như vậy.
Số liệu hết sức khách quan cho thấy rằng ở các vùng sạt lở này như ở khu kiểm lâm 67 Phong Điền, Cha Lo, Minh Hóa; khu vực Binh đoàn 337 Hướng Hóa, Trà Leng, Trà Vân, Nam Trà My, Quảng Nam; Phước Lộc, Phước Sơn; vùng sạt lở Rào Trăng 3, cho thấy đây là những khu vực ở độ cao từ 300 đến 900m. Nên nếu kết luận là do thủy điện thì ở đây chưa có vấn đề do thủy điện và thủy điện Trà Leng 3 thì hiện nay chưa xây dựng.
Nhấn mạnh ở đây nên đưa ra những suy đoán mà phải dựa trên cơ sở khoa học, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho biết toàn bộ khu vực này nằm trong đứt gãy địa chất và các đứt gãy này trong thời gian vừa qua đã có sự cà sát và đứt gãy này tạo ra độ phong hóa từ 9 đến 16m. Độ phong hóa này đã tạo ra đất, cát, sét, sỏi với độ gắn kết rất thấp và nằm trên địa hình đồi núi dốc, trọng lực trượt và độ dốc của sông, suối đều theo hình chữ V. Vì thế luôn luôn nằm trong một động thái địa chất kiến tạo, đứt gãy do tai biến địa chất đã hình thành. Quá trình địa chất đó luôn làm cho đất đá bị nát vụn và thành phần đất đá, cộng thêm với vấn đề ngoại sinh là một lượng mưa lớn trong vòng khoảng 5 đến 10 ngày với lượng mưa 100mm thì tất cả những khu vực này đều dẫn đến nguy cơ sạt lở. Lượng mưa ngày 500mm cũng làm gia tăng trọng lực trượt của đất và làm cho sự gắn kết của các mảng trượt, cộng với vấn đề địa chất nội sinh đang hoạt động. Ở đây, còn có thêm sự kết hợp của các yếu tố cấu thành tổ hợp các thiên tai, thiên tai từ sạt lở đất nhỏ gắn với đồi núi dốc và các sông suối hẹp tạo nên những biển hồ nước và kích hoạt các hoạt động địa chất nội sinh đó là hoạt động trượt.
Ngoài ra, đánh giá về rừng tự nhiên, thảm thực vật tự nhiên liên quan đến rừng trồng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, qua số liệu quan sát từ vệ tinh cho thấy ở các khu vực này, các binh đoàn đã phủ xanh đến 100%. Ở các khu vực người dân sinh sống thì người dân đã ở đây 100 năm nay ở khu vực rừng lâm nghiệp và phát triển cây lâm nghiệp, độ che phủ từ 60-80%, ở khu vực trồng cây nông nghiệp thì độ che phủ là 50%.
Mặt khác, mặc dù hồ chứa miền Trung không có khả năng để cắt lũ nhưng sự điều tiết rất nhịp nhàng và rất chặt chẽ, khoa học thì cắt giảm được lũ ở phía dưới từ 30 đến 70%, có những hồ chứa là cắt được 70%. Mặc dù hồ chứa miền Trung không phải là hồ chứa có thể thiết kế quy mô và dung lượng để có thể cắt được đỉnh lũ nhưng điều này cho thấy, nếu nếu nói nguy cơ và độ ngập ở hạ lưu thì trong thời gian vừa qua hồ chứa thực hiện được mục tiêu đó.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra 11 quy trình điều tiết ở hầu hết các hồ chứa lớn trên 11 lưu vực sông đều có hai chức năng là cung cấp nước cho mùa cạn, dự kiến bổ sung từ 30 đến 50% vào mùa cạn bên cạnh mục tiêu phát điện.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng không phải lỗi các thủy điện nhỏ mà lỗi do chính chúng ta chưa phân tích được lợi ích, phân tích được các tính năng thiết kế hiệu quả và công nghệ. Nếu tính toán tự thiết kế được các công trình này hài hòa được với tự nhiên, thì vẫn có thể duy trì được nguồn điện năng và không làm biến đổi quá lớn đến tự nhiên.
Liên quan đến chuyển đổi mục đích rừng thế nào, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh không thể không chuyển đổi mục đích nếu như dân số tăng trưởng trên 100 triệu dân và không thể có không gian để phát triển đô thị, không thể có không gian bố trí dân cư. Do đó, việc chuyển đổi đó còn phải tính toán lợi ích, phải xác định chức năng những khu vực cần phải giữ, phải bảo vệ là các rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên.
Trước nhiều ý kiến đại biểu về các nguyên nhân cốt lõi sâu xa, cùng các thách thức, hiện trạng và vấn đề lựa chọn các mô hình phát triển, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu rõ, phát triển nếu dựa vào khai thác tự nhiên, nếu phát triển trái với những quy luật tự nhiên và sự phát triển đòi hỏi phải có sự thay đổi.
Do đó, trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường lần này, cơ quan chủ trì soạn thảo đã thể chế hóa Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương, thể chế hóa các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về con đường đi đến phát triển bền vững, về tăng trưởng xanh, thể chế hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là không hy sinh để đánh đổi môi trường. Trong đó, giải quyết vấn đề liên quan đến các quan ngại về vấn đề ô nhiễm, vấn đề liên quan đến rác thải, an ninh tài nguyên nước, liên quan đến thay đổi tư duy giữa con người đang khai phá và chế ngự tự nhiên bằng sống hài hòa với tự nhiên, giải quyết những vấn đề cần ưu tiên, xác định Nhà nước và xã hội cùng tham gia và nhân dân giám sát. Dựa trên những thành tựu của khoa học công nghệ để có thể đảm bảo được hiệu quả, đảm bảo được hiệu lực.
Nhấn mạnh sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 để đáp ứng được những thách thức hiện nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường bày tỏ mong muốn các đại biểu Quốc hội sẽ thể hiện ý chí bằng việc bấm nút và cho rằng vấn đề bảo vệ môi trường không chỉ là vấn đề suy nghĩ đẹp, không chỉ là ước mơ mà cần phải nhìn nhận vào hiện thực, đó là đầu tư, sự quan tâm, cả nhân lực, nguồn lực thực tế để thực hiện các các mục tiêu này.