Bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ góp phần kết nối các hệ sinh thái bảo vệ môi trường

12:00 AM 01/12/2021 |  Lượt xem: 2217 |  In bài viết | 

Bảo vệ rừng đặc dụng đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường.

Rừng đặc dụng bao gồm vườn quốc gia; khu bảo tồn thiên nhiên; khu bảo vệ cảnh quan; khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học. Rừng phòng hộ được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và phát triển hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ở nước ta ngày càng được tăng cường và triển khai thực hiện có hiệu quả trên thực tiễn. Tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, săn bắt động vật hoang dã trái pháp luật giảm rõ rệt; các đơn vị dần kiểm soát được tình trạng xâm hại, lấn chiếm đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi rừng sang loại rừng khác và chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Đồng thời, diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được duy trì và phát triển thông qua trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng. Hiện trạng rừng toàn quốc năm 2020 là 14.677.215 ha, trong đó rừng tự nhiên là 10.279.185 ha; rừng trồng là 4.398.030 ha. Tổng diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ là 6.858.735 ha, chiếm 46,7% tổng diện tích rừng cả nước và được phân loại theo chức năng sử dụng.

Đến nay, cả nước đã thành lập được 167 khu rừng đặc dụng (Vườn quốc gia Cúc Phương là đơn vị được thành lập đầu tiên năm 1962) với tổng diện tích 2.303.961 ha, thuộc 54/63 tỉnh, thành phố, trong đó diện tích có rừng là 2.173.231 ha. Hệ thống quản lý các khu rừng đặc dụng được phân loại là 34 vườn quốc gia; 56 khu dự trữ thiên nhiên; 14 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 54 khu bảo vệ cảnh quan; và 09 khu nghiên cứu thực nghiệm khoa học.

34 vườn quốc gia có diện tích là 1.278.519 ha, trong đó có 1.108.844 ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch cho rừng đặc dụng, 108.893 ha đất mặt nước (biển), 1.062 ha quy hoạch cho rừng sản xuất, 8.684 ha đất quy hoạch cho rừng phòng hộ và 50.036 ha các loại đất khác; 56 khu dự trữ thiên nhiên với tổng diện tích 1.129.726 ha; 14 khu Bảo tồn loài và sinh cảnh với tổng diện tích 68.422 ha; 54 khu Bảo vệ cảnh qua với tổng diện tích là 88.890 ha và 09 khu khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học với tổng diện tích là 10.838 ha.

Đối với hệ thống rừng phòng hộ với tổng diện tích đã giao khoán bảo vệ rừng của 66 Ban quản lý là 563.031 ha, trong đó hộ gia đình 207.698 ha, chiếm 36,9 %; cộng đồng địa phương 228.606 ha, chiếm 40,6 %; đơn vị vũ trang 21.086 ha, chiếm 3,7%; các đối tượng khác là 100.337 ha, chiếm 17,8%.

 Tổng diện tích đất rừng phòng hộ trên phạm vi toàn quốc là 5.905.870 ha (chiếm 34% diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp), trong đó diện tích đất có rừng là 4.685.504 ha (chiếm 31,9%), cụ thể là: Diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn 5.365.282 ha (chiếm 90,8%); Diện tích rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay 38.098 ha (chiếm 0,7%); Diện tích rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển 236.708 ha (chiếm 4,0%); Diện tích rừng phòng hộ bảo vệ môi trường 264.972 ha (chiếm 4,5%). Đến tháng 10/2021, cả nước đã trồng mới được 4.574 ha rừng phòng hộ, giảm 4,76 % so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng diện tích rừng đặc dụng đã giao khoán bảo vệ là 751.081 ha, trong đó giao hộ gia đình quản lý 273.977 ha, chiếm 36,5 %; Cộng đồng địa phương 340.689 ha, chiếm 45,4%; đơn vị vũ trang 49.156 ha, chiếm 6,5% (chủ yếu là diện tích phân bố ở khu vực vành đai biên giới); các đối tượng khác là 87.259ha, chiếm 11,6%. Tính đến tháng 10/2021, cả nước đã trồng mới được 397 ha rừng đặc dụng, so với cùng năm 2020 chỉ đạt trên 54%.

Trong thực tế, các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương sở tại và các đơn vị đóng quân trên địa bàn thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; Làm tốt công tác khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, góp phần tăng thu nhập cho người dân, cộng đồng trên địa bàn phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Cùng với đó, diện tích rừng tự nhiên được nâng cấp chất lượng, nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học và năng lực phòng hộ của rừng, giảm thiểu tối đa các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, đảm bảo an ninh môi trường.

Rừng đặc dụng và rừng phòng hộ được rà soát, điều chỉnh quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ quốc gia để thiết lập lâm phận quốc gia ổn định theo hướng tăng cường tính kết nối các hệ sinh thái có giá trị bảo tồn, phòng hộ môi trường cao ở cấp độ cảnh quan bằng cách thiết lập các hành lang kết nối theo hướng nâng cao giá trị đa dạng sinh học, đảm bảo đạt các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế; đảm bảo yêu cầu phòng hộ đầu nguồn, chống sạt lở, chắn sóng, lấn biển, chắn gió, cát bay, bảo vệ môi trường đô thị, khu công nghiệp, vùng nông thôn trong bối cảnh biến đổi khí hậu; việc chuyển một số diện tích rừng tự nhiên là rừng sản xuất sang rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, điều chỉnh phân loại rừng theo chức năng, mục đích sử dụng nhằm tối ưu hóa hiệu quả tổng hợp về kinh tế, xã hội và môi trường phù hợp với thông lệ quốc tế.

Kim Hằng

CHỦ ĐỀ CỦA NĂM

LIÊN KẾT