Xây dựng mô hình cải thiện vệ sinh môi trường cho hộ đồng bào DTTS vùng Tây Nguyên
12:00 AM 14/09/2020 | Lượt xem: 2318 In bài viết |Vừa qua, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức họp Hội đồng thẩm định Đề cương dự án bảo vệ môi trường: Xây dựng mô hình cải thiện vệ sinh môi trường cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vùng Tây Nguyên. TS. Lê Sơn Hải - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT là Chủ tịch Hội đồng. Tham dự phiên họp có các thành viên Hội đồng, đại diện một số vụ, đơn vị và nhà khoa học.
Thời gian qua, phát triển kinh tế kéo theo nhiều hệ lụy nếu vấn đề vệ sinh môi trường ở nông thôn, nhất là trong vùng DTTS chưa được quan tâm đúng mức. Tại một số địa phương, số đàn gia súc, gia cầm phát triển gia tăng hàng năm, kèm theo các nguồn nguyên liệu, phế, phụ phẩm từ sản xuất và sinh hoạt như vỏ cà phê, vỏ trấu, mía... khá lớn. Sau quá trình thu hoạch, hầu như các hộ gia đình DTTS chưa biết cách tận dụng nguồn nguyên liệu quý giá này. Các phế, phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp được xả thẳng ra môi trường bên ngoài, kết hợp với chất thải của quá trình nuôi gia súc, gia cầm đã gây ô nhiễm môi trường trầm trọng và tác động trực tiếp đến đời sống và sức khỏe người dân.
Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê của ngành y tế tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ DTTS chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh chiếm trên 70%. Nguyên nhân là đa số hộ người DTTS có điều kiện kinh tế khó khăn, một phần nhận thức còn hạn chế. Từ đó các bệnh lý truyền nhiễm liên quan đến nhóm bệnh tiêu hóa chiếm tỷ lệ cao trong cộng đồng người DTTS. Vấn đề này tác động không nhỏ đến công tác phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm ở con người.
Dự kiến, năm 2020, Dự án Xây dựng mô hình cải thiện vệ sinh môi trường cho hộ đồng bào DTTS vùng Tây Nguyên sẽ được triển khai tại tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Mục tiêu của Dự án là xây dựng và chuyển giao mô hình cải thiện vệ sinh môi trường cho hộ người DTTS thông qua các mô hình hướng dẫn thu gom, chế biến từ rác thải sinh hoạt và phế phụ phẩm nông nghiệp thành phần hữu cơ phục vụ sản xuất; xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức và hành vi của một bộ phận người DTTS tại địa bàn triển khai Dự án và nhân rộng mô hình sang các địa bàn khác về cải thiện vệ sinh môi trường, góp phần xây dựng Chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường, xây dựng Nông thôn mới phát triển bền vững.
Thảo luận về Đề cương của Dự án, các đại biểu tham dự phiên họp đánh giá Đề cương dự án đã phân tích rõ tính cấp thiết, với việc lựa chọn đối tượng và địa bàn phù hợp với điều kiện của địa phương. Tuy nhiên, cần đánh giá rõ hơn về tính hiệu quả của các mô hình đã triển khai; xây dựng tiêu chí lựa chọn hộ gia đình tham gia dự án rõ ràng; tăng cường nội dung đào tạo, tập huấn; xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tạo sự gắn kết với người dân tham gia dự án; bổ sung giải pháp xây dựng nhà vệ sinh tự hoại, tăng cường truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh địa phương...
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải đề nghị Dự án phải đánh giá được thực trạng, phân tích hiệu quả các mô hình liên quan đã triển khai. Cần có tiêu chí cụ thể trong việc chọn lựa các hộ gia đình tham gia dự án, đảm bảo yếu tố tự nguyện và cam kết phối hợp thực hiện. Chú ý đến yếu tố văn hóa, phong tục tập quán, trình độ phát triển. Tăng cường sự tham gia của các nhà khoa học, các trường đại học, viện nghiên cứu trong khu vực. Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân và chính quyền ở địa phương cần được triển khai bài bản. Các mô hình triển khai của Dự án cần được tổng kết, đánh giá đầy đủ để góp phần tạo ra những mô hình mang tính đột phá trong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Phải có những đề xuất cụ thể để góp phần xây dựng và hoàn thiện chính sách.