Nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi quy mô hộ gia đình
02:00 PM 14/12/2021 | Lượt xem: 618 In bài viết |Cùng vời sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương, sự tham gia tích cực của các hộ gia đình dồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Dự án "Xây dựng mô hình thu gom, sử dụng đệm lót sinh học để xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi cho đồng bào DTTS vùng khó khăn" do Ủy ban Dân tộc chủ trì triển khai đã đạt được nhiều kết quả thiết thực.
Khắc phục và giảm thiểu tình trạng trước đây đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn các xã của huyện Mường Khương và huyện Nguyên Bình thường có thói quen thả rông các con vật nuôi, khiến dịch bệnh lây lan khó kiểm soát. Thậm chí, một số nơi bị dịch bệnh, gây nguy hại cho sức khỏe con người vì thói quen nhốt gia súc, gia cầm gần nhà, gần nơi vệ sinh, ăn uống và thường xuyên tiếp xúc với các con vật ốm. Bà con chưa ý thức được việc giữ gìn vệ sinh môi trường, do đó các con vật bị dịch chết thường không được chôn cất cẩn thận, cá biệt có một số gia đình cảm thấy tiếc nên vẫn chế biến các con vật chết để ăn.
Ngoài ra, do tập quán trong sản xuất cũng như trong sinh hoạt, người dân sinh sống trên sườn núi cao, các hộ ở theo từng bản và độ dốc khác nhau; do diện tích đất ở hạn chế nên dễ xảy ra tình trạng chuồng nuôi hộ gia đình này gần nhà ở hộ kế tiếp phía dưới sườn núi.
Bàn giao chế phẩm sinh học cho các hộ dân đồng bào DTTS tham gia mô hình thu gom, sử dụng đệm lót sinh học để xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.
Theo kế hoạch, Ban Chủ nhiệm Dự án đã phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Mường Khương (Lào Cai) và huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) tổ chức thành công lớp tập huấn kỹ thuật xây dựng và triển khai sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuối lợn, gà với nội dung cụ thể như: Một số vấn đề về vệ sinh môi trường và ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi không hợp vệ sinh; Phương pháp chăn nuôi trên đệm lót sinh học; Thiết kế chuồng trại và kỹ thuật làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn, gà, vịt; Hướng dẫn quy trình làm đêm lót sinh học cho từng loại hình chăn nuôi; Phương pháp vận hành và bảo dưỡng đệm lót...
Năm 2020, Dự án đã hỗ trợ 81 mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi. Trong đó, 32 mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn (huyện Mường Khương 16 mô hình; huyện Nguyên Bình 16 mô hình); hỗ trợ 49 mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà (huyện Mường Khương 25 mô hình; huyện Nguyên Bình 24 mô hình).
Chuồng trại sạch sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm.
Kế thừa những thành công trong triển khai, năm 2021, Dự án tổ chức tập huấn cho các hộ dân thuộc 08 xã của huyện Mường Khương và 09 xã của huyện Nguyên Bình. Ngoài ra, Dự án lựa chọn 60 hộ gia đình đồng bào DTTS tham gia mô hình (34 mô hình nuôi gà, 26 mô hình nuôi lợn).
Nhận thấy các kết quả thiết thực từ việc triển khai mô hình, các hộ gia đình đồng bào DTTS đã hết sức tích cực, chủ động, huy động thêm các nguồn kinh phí để cùng triển khai với các hoạt động của Dự án. Sau khi hoàn thành các mô hình hỗ trợ tại các xã, Ban Chủ nhiệm Dự án đã tiến hành tổ chức kiểm tra, đánh giá, nghiệm thu, bàn giao các mô hình cho hộ gia đình đồng bào DTTS sử dụng. Cùng với đó, chính quyền các địa phương phối hợp trong quản lý, hỗ trợ kỹ thuật và truyền thông, nhân rộng hiệu quả của mô hình.
Đàn gà được chăm sóc trong môi trường khô thoáng, sạch sẽ.
Triển khai trên địa bàn huyện Mường Khương (Lào Cai) và huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), Dự án đã nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi quy mô hộ gia đình, đặc biệt, việc áp dụng quy trình sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi (lợn, gà) quy mô hộ gia đình, nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả cho người chăn nuôi, góp phần chăn nuôi an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững vùng DTTS và miền núi.
Việt Cường