Câu hỏi: Luật BVMT năm 2014 và Luật Tài nguyên nước năm 2012 có mối quan hệ như thế nào?
07:40 PM 28/12/2016 | Lượt xem: 604 In bài viết |Trả lời:
Như chúng ta đã biết nước vừa là nguồn tài nguyên, vừa là yếu tố vật chất tạo thành môi trường. Theo quy định tại Điều 2, Luật Tài nguyên nước năm 2012, “Tài nguyên nước bao gồm nguồn nước mặt, nước dưới đất, nước mưa và nước biển thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Theo quy định tại Điều 3, Luật BVMT năm 2014: “Môi trường là hệ thống các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo có tác động đối với sự tồn tại, phát triển của con người và sinh vật”. Thành phần môi trường là yếu tố vật chất tạo thành môi trường như đất, nước, không khí, âm thanh, ánh sáng, sinh vật, hệ sinh thái và các hình thái vật chất khác.
Như vậy, nước là một trong các thành phần cơ bản của môi trường tự nhiên. Trong cuộc sống của con người, nước là tài nguyên, là tư liệu thiết yếu tạo nên sự sống và có ảnh hưởng đến cuộc sống của con người. Đồng thời chính những hoạt động của con người có thể ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên này (làm cạn kiệt, gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước...). Chính vì vậy, nước cần được bảo vệ với tư cách là một nguồn tài nguyên thiên nhiên, vừa cần được bảo vệ với tư cách là thành phần của môi trường tự nhiên. Do đó, chúng ta có thể thấy, Luật Tài nguyên nước năm 2012 và Luật BVMT năm 2014 cùng có chung đối tượng điều chỉnh là các quan hệ về bảo vệ nước. Tuy nhiên, tùy thuộc vào cách tiếp cận nước là nguồn “tài nguyên” hay là “thành phần môi trường” mà nội dung điều chỉnh của hai văn bản Luật này và các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn có sự khác biệt.
Với tư cách là văn bản điều chỉnh và bảo vệ các thành phần môi trường, Luật BVMT năm 2014 đề cập sâu hơn đến khía cạnh bảo đảm chất lượng nước (độ trong sạch của nước) để phục vụ cho đời sống của con người và các hoạt động phát triển; Quy định về các quy chuẩn có liên quan đến môi trường nước để làm cơ sở xác định chất lượng nước; Các biện pháp chung để phòng ngừa, hạn chế ô nhiễm nguồn nước. Trong Luật BVMT năm 2014, việc BVMT nước được thể hiện tại các ở các chương: Chương V - BVMT biển và hải đảo”, Chương VI - BVMT nước, đất, không khí; Chương VII - BVMT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… Để hướng dẫn thi hành Luật BVMT năm 2014, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành (Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các Bộ TN&MT, NN&PTNT, Y tế, Giao thông vận tải, Tài chính...) đã ban hành các văn bản quy định liên quan đến thực hiện hoạt động BVMT nói chung, trong đó có BVMT liên quan đến thuế BVMT, quy chuẩn môi trường...
Luật Tài nguyên nước năm 2012 “quy định về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Điều 1, Luật Tài nguyên nước năm 2012). Trong đó, liên quan đến yếu tố môi trường, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đề cập sâu hơn đến các biện pháp phòng, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, bảo đảm an toàn nguồn nước và bảo vệ khả năng phát triển tài nguyên nước, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể được phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Khi quy định trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân trong việc bảo vệ chất lượng nước, Luật Tài nguyên nước năm 2012 thường dẫn chiếu đến các quy định của pháp luật về BVMT, đặc biệt là dẫn chiếu đến các quy chuẩn môi trường được điều chỉnh theo pháp luật môi trường.
Ngoài quy định của Luật BVMT năm 2014, Luật Tài nguyên nước năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn ban hành các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến BVMT, bảo vệ tài nguyên nước. Trong đó phải kể đến Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015; Luật Thuế tài nguyên năm 2009, Nghị định số 50/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế tài nguyên, Thông tư số 105/2010/TT-BTC ngày 23/7/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tài nguyên và hướng dẫn thi hành Nghị định số 50/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế tài nguyên.
Trên thực tế sự phân biệt về nội dung điều chỉnh của Luật BVMT năm 2014 và Luật Tài nguyên nước năm 2012 chỉ mang tính lý thuyết. Các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật BVMT năm 2014 luôn luôn song hành với các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, tạo thành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, BVMT nước.
(Tạp chí Môi trường)