Câu hỏi: Các biện pháp phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước được pháp luật quy định như thế nào?
07:36 PM 28/12/2016 | Lượt xem: 765 In bài viết |Trả lời:
Điều 26, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã quy định cụ thể về các biện pháp phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước và ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước, cụ thể:
- Hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải tuân thủ quy hoạch tài nguyên nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp làm suy giảm chức năng của nguồn nước, gây sụt, lún đất, ô nhiễm, nhiễm mặn nguồn nước phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả; Trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Không xây dựng mới các bệnh viện, cơ sở y tế điều trị bệnh truyền nhiễm, nghĩa trang, bãi chôn lấp chất thải, cơ sở sản xuất hóa chất độc hại, cơ sở sản xuất, chế biến có nước thải nguy hại trong hành lang bảo vệ nguồn nước.
Đối với cơ sở đang hoạt động phải có biện pháp xử lý, kiểm soát, giám sát chặt chẽ chất lượng nước thải, chất thải trước khi thải ra đất, nguồn nước; Cơ sở đang hoạt động gây ô nhiễm nguồn nước phải có giải pháp khắc phục trong thời hạn do cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước có thẩm quyền quy định (nếu không khắc phục được thì bị đình chỉ hoạt động hoặc di dời theo quy định của pháp luật).
- Việc xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư tập trung, khu du lịch, vui chơi, giải trí tập trung, tuyến giao thông đường thủy, đường bộ, công trình ngầm, công trình cấp, thoát nước, công trình khai thác khoáng sản, nhà máy điện, khu chứa nước thải và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các công trình khác có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước phải có phương án phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.
- Tổ chức, cá nhân khai thác mỏ hoặc xây dựng công trình, nếu tiến hành hoạt động bơm, hút nước, tháo khô dẫn đến hạ thấp mực nước dưới đất gây cạn kiệt nguồn nước thì phải dừng ngay việc bơm, hút nước và thực hiện các biện pháp hạn chế, khắc phục theo chỉ đạo của cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước có thẩm quyền. Nếu gây thiệt hại thì phải thực hiện bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Ao, hồ chứa nước thải, khu chứa nước thải phải được chống thấm, chống tràn, bảo đảm không gây ô nhiễm nguồn nước.
Ngoài ra, để phòng, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, Luật Tài nguyên nước năm 2012 cũng quy định:
- Các tổ chức, cá nhân khai thác rừng có trách nhiệm thực hiện các biện pháp khai thác, bảo vệ rừng theo quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo không làm suy thoái rừng đầu nguồn (khoản 2, Điều 29).
- Việc khai thác khoáng sản, xây dựng cầu, bến tàu hoặc các công trình ngăn, vượt sông, suối, kênh, rạch; Hoạt động đặt đường ống hoặc dây cáp bắc qua sông, suối, kênh, rạch, đặt lồng bè trên sông không được cản trở dòng chảy và phù hợp với tiêu chuẩn phòng, chống lũ, các yêu cầu kỹ thuật liên quan khác theo quy định của pháp luật (Điều 30).
- Tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa thủy điện, thủy lợi và các hồ chứa nước khác có trách nhiệm cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định và bàn giao mốc giới cho UBND cấp xã nơi có hồ chứa để quản lý, bảo vệ (khoản 2, Điều 31).
- Tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác nước dưới đất; Hành nghề khoan nước dưới đất; Khoan khảo sát địa chất công trình, thăm dò địa chất, khai thác khoáng sản, dầu khí; Xử lý nền móng công trình, tháo khô mỏ và các hoạt động khoan, đào khác phải thực hiện các biện pháp bảo vệ nước dưới đất, trám lấp giếng sau khi đã sử dụng xong hoặc bị hỏng. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, xây dựng công trình ngầm phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất. Ở những vùng nước dưới đất bị khai thác quá mức hoặc bị suy thoái nghiêm trọng, cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước phải khoanh vùng cấm, vùng hạn chế khai thác và có các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt để bảo vệ nguồn nước dưới đất (Điều 35)
(Tạp chí Môi trường)