Câu hỏi: Biển Việt Nam đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm như thế nào?
10:22 AM 03/01/2017 | Lượt xem: 1652 In bài viết |Trả lời:
BÁO ĐỘNG ĐỎ VỀ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG BIỂN
Việt Nam có diện tích đất liền khoảng 330.000km2 và một vùng biển đặc quyền kinh tế khoảng trên 1.000.000km2. Khu vực bờ biển, cũng như các đảo có vị trí địa lý rất trọng yếu đối với phát triển kinh tế và an ninh, quốc phòng. Trên biển có trên 3.000 đảo lớn nhỏ, hai quần đảo là Trường Sa và Hoàng Sa. Các đảo và quần đảo là điểm tựa vững chắc cho bố trí thế trận phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ an ninh chủ quyền trên biển. Nhiều đảo có thể xây dựng thành các trung tâm kinh tế đảo và dịch vụ cho các hoạt động khai thác biển xa. Bờ biển nước ta kéo dài trên 3.260km, đây là những tiền đề cho phép hoạch định một chiến lược biển, phù hợp với xu thế phát triển của một quốc gia biển. Biển thực sự là phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, là di sản thiên nhiên của dân tộc, là chỗ dựa tinh thần và vật chất cho người dân Việt Nam hôm nay và mai sau. Tuy nhiên thực trạng về ô nhiễm môi trường (ONMT) biển đang là vấn đề báo động đỏ. Có thể nêu lên một số vấn đề chính như sau:
1. Du lịch tràn lan - Nuôi trồng thuỷ sản bất hợp lý
Theo điều tra của Viện Hải Dương học, một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng ONMT ven biển là hiện tượng nuôi thuỷ sản tràn lan, không có quy hoạch. Tại các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình, trên 37.000ha đã được khai thác đưa vào nuôi trồng thuỷ sản (chiếm 30-35% diện tích nước mặn lợ). Trước đây, người dân thường chỉ nuôi quảng canh, ít sử dụng thức ăn và hoá chất độc hại. Gần đây, phần lớn cơ sở đã đi vào nuôi trên quy mô công nghiệp dẫn tới các nơi cư trú sinh vật, bãi đẻ, bãi giống bị huỷ diệt, dịch bệnh xuất hiện tràn lan... Hơn nữa, tình trạng ONMT còn do các địa phương khai thác, sử dụng không hợp lý các vùng đất cát ven biển dẫn tới việc thiếu nước ngọt, xói lở, sa bồi bờ biển với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Việc khai thác bằng đánh mìn, sử dụng hoá chất độc hại làm cạn kiệt nhanh chóng nguồn lợi thuỷ sản và gây hậu quả nặng nề cho các vùng sinh thái biển. Các hoạt động du lịch có ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên của biển. Điển hình là Vườn quốc gia Cát Bà với 5.400ha mặt nước, được coi là khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam với nhiều khu dự trữ tài nguyên sinh thái biển lớn. Nhưng từ một hòn đảo khá đẹp và trong lành, Cát Bà đã bị biến thành một hòn đảo “tạp” kể từ khi được đưa vào khai thác du lịch và nuôi trồng thủy sản. Những khu du lịch, những khu nuôi cá lồng bè, khu đánh bắt cá... tất cả đều được quy hoạch “bám” ra mặt biển. Theo thống kê, mỗi ngày có hàng nghìn tấn rác được đổ trực tiếp ra biển. Còn tại TP du lịch Hạ long (Quảng Ninh), tình trạng ô nhiễm mặt nước ven biển xảy ra ngày càng nghiêm trọng bởi các làng chài trên biển. Chỉ tính riêng tại Vịnh Hạ Long hiện có tới hàng chục làng chài lớn nhỏ đang “tọa lạc” trên biển. Tại các làng chài thải toàn bộ rác sinh hoạt xuống mặt biển chưa qua xử lý, rất khó thu gom, dẫn tới một số xuồng lạch đã xảy ra hiện tượng tắc dòng chảy vì rác. Ngoài ra, diện tích nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ninh hiện đã lên trên 15.000ha/năm, phần lớn là những khu nuôi quảng canh nên nước thải đều đổ trực tiếp ra biển.
2. Dân số tăng và nghèo khó
Biển và vùng bờ là nơi giàu có và đa dạng các loại hình tài nguyên, cũng như chứa đựng tiềm năng phát triển kinh tế đa dạng. Bởi vậy, đây cũng là nơi tập trung sôi động các hoạt động phát triển của con người: trên 50% số đô thị lớn, gần 60% dân số tính theo đơn vị cấp tỉnh, phần lớn các khu công nghiệp và khu chế xuất, các vùng nuôi thủy sản, các hoạt động cảng biển - hàng hải và du lịch sẽ được xây dựng ở đây đến năm 2010. Tỷ lệ tăng dân số ở vùng này cũng thường cao hơn trung bình cả nước Đi kèm các hoạt động trên là sự gia tăng di dân tự do, tăng nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên và hình thành thói quen tiêu thụ tài nguyên lãng phí. Kết quả đã gây sức ép rất lớn đến môi trường đô thị, khu dân cư ven biển, làm suy giảm và suy thoái tài nguyên biển và vùng ven bờ. Trong khi vùng biển gần bờ nước ta hầu như còn rất ít tôm cá, thì cuộc sống của khoảng 600.000 ngư dân và gia đình họ vẫn cần có cá hàng ngày và bản năng tồn tại vẫn buộc họ phải khai thác nhiều cá tôm hơn. Người ngư dân nghèo gác thuyền, bỏ nghề đánh bắt ven bờ trong lúc chưa có sinh kế thay thế, cho nên đại bộ phận vẫn nghèo khó và cuối cùng cũng phải quay về vùng biển xưa, phải tăng cường khai thác cạn kiệt nguồn lợi để hy vọng tăng thêm thu nhập cho gia đình mình. Kết cục họ đã rơi vào một vòng luẩn quẩn: nhu cầu sinh kế - khai thác quá mức - cạn kiệt nguồn lợi - nghèo khó (Hình – 1).
3.Lối sống giản đơn và dân trí thấp
Khác với trong đất liền, cơ cấu dân cư ven biển từ nhiều nguồn, họ đến từ tứ xứ, thậm chí có một bộ phận dân cư ngoài đất Việt. Họ vốn là những người nghèo, chấp nhận xa quê đến vùng ven biển hoặc các đảo nước ta tìm kế sinh nhai. Họ tụ tập thành các "vạn chài", đối mặt hàng ngày với tính khốc liệt của biển cả, sống với sóng nước và cột chặt cuộc đời với con thuyền, nên tư duy người vạn chài hết sức giản đơn, xem sản vật bắt được là sự ban tặng của biển trời. Cứ thế, khái niệm bảo vệ nguồn lợi và môi trường biển dường như vẫn còn xa vời với họ. Tập quán và phong tục sống của cư dân ven biển nói chung và ngư dân nói riêng đến nay còn lạc hậu, học vấn thấp do không có điều kiện học tập. Cũng vì thế mà nhận thức về môi trường và tài nguyên biển của đại bộ phận dân cư ở đây vẫn còn thấp kém. Hành vi và cách ứng xử của họ với các hoạt động bảo vệ môi trường và tài nguyên rất hạn chế, chưa thành thói quen tự giác. Thực tế quản lý cho thấy, không thay đổi nhận thức của người dân, không cải thiện sinh kế cho họ, không lôi cuốn được họ tham gia vào quá trình quản lý, thì tài nguyên và môi trường biển tiếp tục bị khai thác huỷ diệt. Do vậy, quản lý môi trường và tài nguyên biển, không phải là quản lý tập trung vào "con cá, con tôm" mà là quản lý hành vi của con người và điều chỉnh các hành động phát triển của chính con người!
4. Thể chế và chính sách còn bất cập
Biển và vùng bờ biển nước ta là nơi tập trung các hoạt động kinh tế khác nhau và vẫn chủ yếu được quản lý theo ngành. Theo cách quản lý này, các ngành thường chú trọng nhiều hơn đến mục tiêu phát triển kinh tế, các mục tiêu xã hội và môi trường ít được ưu tiên, đồng thời chỉ chú ý đến lợi ích ngành mình ít chú ý đến lợi ích ngành khác. Kết quả là tính toàn vẹn và tính liên kết của các hệ thống tự nhiên vùng bờ nói trên bị chia cắt, mâu thuẫn lợi ích trong sử dụng tài nguyên vùng này ngày càng tăng, ảnh hưởng đến tính bền vững của các hoạt động phát triển ở đây. Liên quan đến quản lý biển và vùng bờ có nhiều cơ quan quản lý khác nhau, nhưng vẫn còn chồng chéo về chức năng và nhiệm vụ, trong khi có những mảng trống bị bỏ ngỏ không ai có trách nhiệm giải quyết. Thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, cơ quan khoa học và các tổ chức phi chính phủ (NGO) trong việc sử dụng và quản lý tài nguyên biển, đặc biệt ở vùng ven bờ. Sự tham gia của cộng đồng địa phương vào tiến trình quản lý hoàn toàn thụ động và không thường xuyên, do còn thiếu các quy định về quyền hạn và trách nhiệm của họ một cách cụ thể. Cộng đồng địa phương vừa là người hưởng thụ tài nguyên, vừa là một trong những chủ thể quản lý, có kiến thức bản địa, hiểu được nguyện vọng và công việc của chính họ. Lôi cuốn cộng đồng địa phương vào quản lý tài nguyên biển chính là góp phần thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ về tăng cường dân chủ ở cơ sở và nguyên tắc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".