Nâng cao nhận thức về môi trường đối với vùng đồng bào dân tộc

02:16 PM 22/03/2018 |  Lượt xem: 5770 |  In bài viết | 

Hiện nay, môi trường miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực sự đã và đang bị suy thoái do việc khai thác tài nguyên thiên nhiên bừa bãi như: nạn phá rừng, đất đai bị xói mòn, thoái hóa… Phần lớn đồng bào các dân tộc thiểu số đang gặp rất nhiều khó khăn: thiếu lương thực, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ mù chữ cao, cơ sở hạ tầng yếu kém,…đang là những trở ngại lớn cho sự phát triển. Bên cạnh đó, những vấn đề về sử dụng không hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên; tốc độ đô thị hóa nhanh đang dẫn tới sự mất cân bằng sinh thái, chất lượng môi trường bị ảnh hưởng, dẫn đến diện mạo kinh tế - xã hội ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Tại các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện cơ sở hạ tầng còn khó khăn, thiếu thốn và phải chịu phong tục, tập quán, thói quen lạc hậu làm ảnh hưởng xấu tới môi trường sống. Điều dễ nhận thấy là người dân chưa có ý thức về bảo vệ môi trường. Chính điều này làm cho họ có hành động tùy tiện theo thói quen, theo phong tục. Đó là chăn nuôi gia súc thả rông, phân gia súc vương vãi xung quanh nhà và đường đi, khi gặp nắng bốc mùi, gặp mưa bị rửa trôi làm ô nhiễm nguồn nước. Phong tục, tập quán nuôi nhốt gia súc gần nhà ở và dưới gầm nhà sàn làm ô nhiễm nặng môi trường sống của các thành viên trong gia đình. Trong khi đó, những hố xí tạm bợ của người dân được làm gần nhà, khi gặp mưa bị rửa trôi làm ô nhiễm nguồn nước hoặc phát sinh ruồi muỗi gây bệnh tật.

Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn tại các xã vùng cao còn do người dân sử dụng không đảm bảo an toàn các loại hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp ( thuốc trừ sâu, trừ bệnh, thuốc trừ cỏ dại….). Một điều dễ nhận thấy là sau khi phun thuốc trừ sâu bệnh hoặc cỏ dại, người nông dân rửa bình bơm, đổ thuốc thừa ở bất cứ nơi nào mà không chú ý đảm bảo an toàn tới nguồn nước; bao bì, chai lọ chứa hóa chất bảo vệ thực vật độc hại bị vứt bừa bãi quanh nhà, trên nương rẫy, quanh mương máng…..Điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn nước sinh hoạt và là tiền đề phát sinh các loại bệnh tật mà đồng bào không thể nhận biết ngay được. Hiện nay, tại đa số các vùng nông thôn miền núi, các loại rác thải chưa được thu gom đúng quy định và người dân tự do vứt các loại rác thải ra môi trường xung quanh, cộng với phân gia súc, gia cầm vương vãi càng làm cho môi trường sống ô nhiễm thêm nặng. Hơn nữa làm nông nghiệp không chỉ dựa vào mấy loại cây trồng như lúa, ngô, đậu tương…mà phải chăn nuôi để tăng nguồn thu nhập và lấy phân bón. Điều đó dĩ nhiên người nông dân vùng cao phải tiếp xúc trực tiếp với phân gia súc, gia cầm. Nếu không có biện pháp nuôi nhốt, thu gom và chế biến các nguồn phân hợp lý và khoa học thì vấn đề ô nhiễm môi trường ở nông thôn tại các xã vùng cao hiện nay ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Mặt khác, tác động tiêu cực của con người trong canh tác như đốt phá rừng bừa bãi, đã gây ra không ít tai hại cho việc tàn phá đất đai, khiến cho tài nguyên rừng bị suy giảm nghiêm trọng. Việc sử dụng đất không bền vững qua nhiều thế hệ nên đất bị thoái hóa, nhiều nơi mất khả năng sản xuất và có xu hướng hoang mạc hóa ngày càng nhiều. Khi lớp phủ thực vật bị tàn phá, đất không chỉ bị xói mòn, làm thay đổi các tính chất vật lý và hóa học mà còn gây ra hàng loạt hậu quả đối với môi trường sống. Đặc biệt vào mùa khô, những nơi mất rừng môi trường trở nên rất khắc nghiệt, các suối khô cạn, nạn thiếu nước trở nên trầm trọng, có vùng cư dân phải đi hàng chục cây số để lấy nước sinh hoạt như vùng Lục Khu ở Cao Bằng, vùng Đồng Văn, Mèo Vạc ở Hà Giang,… Tình trạng khan hiếm nước càng trở nên nghiêm trọng ở Tây Nguyên, nơi có 6 tháng mùa khô. Những năm gần đây, do phát triển không cân đối các loại cây công nghiệp ở vùng này, dẫn đến tình trạng khai thác nguồn nước ngầm để tưới bừa bãi, làm cho nguồn nước mặt bị cạn kiệt, tụt mức nước ngầm.

Các hệ sinh thái vùng đồi núi thay đổi từ rừng mưa nhiệt đới đến các đồng cỏ gió mùa, các trảng cây bụi đã cho Việt Nam một tài nguyên động thực vật phong phú. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà nghiên cứu thì nhiều loài động vật và thực vật ở Việt Nam đang giảm sút nhanh chóng, bên cạnh việc mất nơi cư trú do rừng bị tàn phá, nguồn nước bị cạn kiệt về lượng và chất, còn có nguyên nhân do nạn săn bắn, buôn bán bừa bãi, đã tiêu diệt nhiều loài, thậm chí còn có loài đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Đây là một tổn thất rất lớn trên tất cả các phương diện: kinh tế, khoa học, môi trường và nhân văn, là nguyên nhân dẫn đến cân bằng sinh thái tự nhiên có thể bị đảo lộn.

Lũ lụt, lũ ống mỗi năm xuất hiện ở nhiều nơi, nhất là các tỉnh miền núi đã tác động đến những vùng rộng lớn và kéo theo những tai họa khác như phá hủy nhà cửa, gây ngập úng... và xu hướng nóng lên của khí hậu toàn cầu do hiệu ứng nhà kính cũng góp phần làm lũ lụt, hoạt động mạnh hơn về tần số và cường độ. Cùng với bão lụt, hạn hán cũng xảy ra liên tiếp ở nhiều nơi, tuy mang tính cục bộ từng vùng, nhưng nếu liên hệ các hiện tượng tự nhiên bất thường ở nhiều vùng lại với nhau, ta dễ nhận ra đây là những tín hiệu không thể xem thường.

Có thể thấy rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái môi trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số là do: Sự mở rộng đất canh tác nông nghiệp, đây là nguyên nhân quan trọng nhất làm suy thoái môi trường và đốt nương làm rẫy, không chỉ phá hoại lớp phủ thực vật rừng mà còn làm đất rắn lại, cấu tượng đất đai bị phá hủy. Trồng trọt là chỉ nhờ vào lớp tro phủ hờ trên mặt đất, lớp tro này dễ bị cuốn trôi khi có mưa lớn. Việc khai thác các sản phẩm ngoài gỗ khoảng 2.300 loài thực vật cho các sản phẩm ngoài gỗ như song, mây, tre, nứa, lá các loại, cây dược liệu, cây cho dầu, nhựa,… được sử dụng và buôn bán trên thị trường trong nước và xuất khẩu cùng nhiều loài động vật hoang dã cũng đang bị khai thác một cách bừa bãi khiến cho đa dạng sinh học ngày càng bị mất cân bằng và môi trường ngày càng suy giảm.
Bên cạnh đó một nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái môi trường sinh thái ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là do đồng bào di chuyển dân từ vùng này sang vùng khác. Khi di dân có tổ chức không đáp ứng nhu cầu di chuyển của nhân dân thì tình trạng di dân tự do sẽ bùng nổ và địa phương nơi có dân di cư tự do đến không nằm trong quy hoạch sẽ gánh chịu cảnh đất chật, người đông, nghèo đói, lạc hậu dẫn đến cuộc sống du canh, du cư và hậu quả là rừng bị phát quang, nhiều loại động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng, đất đai bị xói mòn, thoái hóa và mất khả năng canh tác.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng và Đoàn công tác thăm hỏi các hộ dân bị thiệt hại do mưa lũ, sạt lở đất tại bản Làng Mô (xã Làng Mô, Sìn Hồ, Lai Châu).

Trong khi chúng ta còn nhiều khó khăn, chưa thể giải quyết ngay ô nhiễm môi trường nông thôn miền núi bằng công nghệ tiên tiến thì biện pháp cấp bách trước mắt là cần phải đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền về vệ sinh môi trường nông thôn vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; thậm chí phải dùng tới các biện pháp mạnh như phạt lao động công ích…đối với những người vi phạm và cố tình vi phạm về vệ sinh môi trường. Đây là một trong các biện pháp quan trọng để người dân có ý thức, chủ động và tự giác hơn trong việc thu gom rác thải; chuyển chuồng trại gia súc ra xa nhà và không được thả rông gia súc. Từ đó, chúng ta mới từng bước cải thiện được môi trường sống, giảm thiểu bệnh tật cho cộng đồng dân cư tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Sự khai thác quá mức của con người đối với tự nhiên làm cạn kiệt tài nguyên, nhất là những tài nguyên không tái tạo được, đã và đang đe dọa tương lai của chính chúng ta. Do đó, nghiên cứu đưa ra những giải pháp phát triển môi trường miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Để phát triển trên môi trường miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số một cách bền vững góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững ở Việt Nam còn thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho đồng bào các dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức về môi trường ở các địa phương để đồng bào nâng cao nhận thức và hiểu được ý nghĩa của việc cần thiết phải bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống của chúng ta hiện nay, cũng như trong điều kiện cụ thể về tài nguyên môi trường của Việt Nam, trong đó có tài nguyên môi trường ở vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang trên đà suy thoái, mục tiêu đưa ra giải pháp phát triển môi trường miền núi vùng dân tộc thiểu số chỉ có thể đạt được khi mỗi người dân hình thành cho mình một nhận thức mới. Nhận thức đó bảo đảm cho người dân có thu nhập và mức sống tương đương nhau, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa đồng bằng và miền núi, giữa các vùng, các nhóm dân cư không phải là sự cào bằng mà là sự phát triển theo chiều sâu. Mọi người, mọi vùng đều có mặt bằng kinh tế thống nhất trong đa dạng và phát triển kinh tế phải được luận chứng đầy đủ và chính xác về mặt môi trường sống.

Hai là, từng bước xây dựng văn hóa môi trường bằng cách phát huy, khai thác những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và tiếp thu có chọn lọc những thành tựu văn hóa hiện đại cho phù hợp với nhiệm vụ xây dựng ý thức bảo vệ môi trường hiện nay là biết sống hài hòa với thiên nhiên, gắn bó với thiên nhiên, biết cách khai thác và sử dụng thiên nhiên trong giới hạn cho phép để phát triển kinh tế - xã hội. Tích cực tham vấn với các nhà hoạch định chính sách và các địa phương xây dựng các luật tục, hương ước về sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách có hiệu quả, làm nền tảng cho việc giáo dục ý thức về sinh thái và nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.

Đối với cán bộ, công chức, công nhân viên công tác và sinh sống ở miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cần đưa trình độ hiểu biết về môi trường và trách nhiệm bảo vệ môi trường vào một trong những tiêu chuẩn đánh giá phẩm chất đạo đức của cán bộ. Cán bộ quản lý, cán bộ lãnh đạo các cấp, cán bộ khoa học kỹ thuật, các chủ doanh nghiệp, giám đốc các công ty, xí nghiệp từ Trung ương đến địa phương phải là những người đi đầu trong việc nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường. Không vì lợi nhuận kinh tế mà bỏ qua các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường sinh thái.

Ba là, xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ môi trường. Cần tuyên truyền, giáo dục cho đồng bào các dân tộc thiểu số và nhân dân sinh sống ở miền núi thống nhất nhận thức rằng bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn dân. Sự nghiệp này chỉ có thể thực hiện thắng lợi với sự tham gia tự giác của đông đảo quần chúng nhân dân, tạo thành một phong trào rộng lớn, thường xuyên và lâu dài.

Phong trào quần chúng xây dựng trên cơ sở giáo dục, phát huy truyền thống tập quán của các dân tộc, dựa vào các tổ chức quần chúng như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, xây dựng thêm các tổ chức mới thích hợp như: Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường, Hội Bảo vệ, cứu trợ động vật hoang dã…

Bốn là, tăng cường và đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường miền núi. Các địa phương cần chủ động xây dựng chính sách thu hút các nguồn lực tài chính đầu tư cho việc phát triển và bảo vệ môi trường ở miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ nhiều nguồn khác nhau: từ nguồn ngân sách Nhà nước, từ các Chính sách kinh tế về bảo vệ môi trường, trích từ nguồn lợi do khai thác tài nguyên môi trường để đầu tư lại cho việc bảo vệ môi trường, từ sự đóng góp công của xã hội và từ nguồn viện trợ của các tổ chức trong và ngoài nước.

 

Kim Hằng

Từ khóa
Tin liên quan
Tin khác

CHỦ ĐỀ CỦA NĂM

LIÊN KẾT