Quảng Ngãi: Nông dân tích cực bảo vệ môi trường

03:03 PM 23/09/2020 |  Lượt xem: 325 |  In bài viết | 

Nông dân Quảng Ngãi tích cực thu gom, xử lý rác thải trên đồng ruộng, bảo vệ môi trường.

HND huyện Bình Sơn là một trong những đơn vị tiên phong trong triển khai xây dựng các mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường. Toàn huyện có 100% cơ sở Hội đồng loạt triển khai với 97 mô hình đang hoạt động hiệu quả.

Tương tự, tại thôn Gò Tranh, xã Long Sơn, huyện miền núi Minh Long, dân cư sống thưa thớt, xe thu gom rác không đến được tận nơi nên người dân phải tự xử lý rác thải. Cuối năm 2019, HND xã Long Sơn triển khai mô hình “Lò đốt rác” ở Chi hội thôn Gò Tranh. Chỉ trong một tháng vận động, các hội viên đã nhiệt tình đóng góp từ 50 - 100 nghìn đồng để xây dựng 2 lò đốt rác kiên cố, đặt ở 2 cụm dân cư trong thôn. 

Ông Đinh Tấn Công, Chi hội trưởng Chi HND thôn Gò Tranh cho biết: Sau gần nửa năm xây dựng lò đốt rác, người dân đã ý thức thực hiện phân loại rác tại nhà trước khi mang đến lò đốt; khi nào lò đầy rác thì người dân cũng tự giác tiêu hủy. Với hiệu quả mà lò đốt mang lại, trong năm nay, Chi hội sẽ tiếp tục vận động xây dựng thêm 2 lò đốt rác để thuận lợi hơn trong việc xử lý rác tập trung.

Nông dân thôn Gò Tranh, xã Long Sơn, huyện miền núi Minh Long tự xử lý rác thải để bảo vệ môi trường

Không chỉ ở huyện Minh Long, mà HND huyện miền núi Sơn Hà cũng tích cực xây dựng mô hình lò đốt rác ở các xã: Sơn Thượng, Sơn Nham.

Ông Đinh Văn Sắc, Chủ tịch HND xã Sơn Thượng cho hay: Giữa năm 2019, sau khi địa phương triển khai việc xây dựng lò đốt rác, Hội Nông dân xã đã tích cực vận động hội viên xây dựng hai lò đốt rác ở thôn Tà Ba và Gò Ren. Trong năm 2020, Hội sẽ tiếp tục vận động xây dựng thêm 3 lò đốt rác ở 3 thôn. Kinh phí xây dựng lò đốt rác chỉ từ 1 - 2 triệu đồng, nhưng hiệu quả mang lại rất lớn, hạn chế đáng kể việc người dân vứt rác bừa bãi và xử lý rác không đúng cách.

Theo ông Hà Nguyễn Tấn Công, Chủ tịch HND huyện Sơn Hà, những năm qua, các cấp HND trong huyện triển khai nhiều hoạt động để tập hợp hội viên góp sức bảo vệ môi trường. Điển hình như, HND thị trấn Di Lăng có mô hình “đặt ống bi tại các cánh đồng”; các Hội cơ sở khác thì xây dựng “đoạn đường tự quản”; mô hình “tổ vệ sinh - bảo vệ môi trường”. Theo đó, định kỳ hằng tháng, các hội viên nông dân ra quân nạo vét, khơi thông cống rãnh, tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trồng cây xanh, tạo nên các đoạn đường xanh, sạch, đẹp, văn minh.

(baodantoc.vn)

Từ khóa
Tin liên quan
Tin khác

CHỦ ĐỀ CỦA NĂM

LIÊN KẾT