Người dân có thu nhập từ khai thác nguồn lợi của rừng sẽ góp phần bảo vệ môi trường bền vững

12:00 PM 04/12/2021 |  Lượt xem: 2412 |  In bài viết | 

Hội nghị “Phát triển kinh tế dưới tán rừng các tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc”.

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Trung du miền núi phía Bắc gồm 17 tỉnh có diện tích diện tích rừng lớn với tổng diện tích khoảng 5,5 triệu ha, chiếm 39,6 % tổng diện tích rừng toàn quốc. Trong đó, rừng tự nhiên khoảng 3.962 nghìn ha, bằng 38,6% diện tích rừng tự nhiên toàn quốc. Diện tích rừng trồng là 1.796 nghìn ha, bằng 40,8% diện tích rừng trồng toàn quốc. Các loài cây trồng chủ yếu là keo, bạch đàn, thông, mỡ, quế... Tính đến năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng vùng trung du miền núi phía Bắc khoảng 52,6%.

Những năm qua, ngành công nghiệp chế biến gỗ tại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc là ngành hàng xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt trên 13%/năm. Năm 2020, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 7,9 triệu m3 gỗ, ước đạt khoảng 9.480 tỷ đồng/năm. Các tỉnh có 747 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản; tổng nguồn thu dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2011-2020 hơn 7.750 tỷ đồng, riêng năm 2020 thu 1.239 tỷ đồng.

Các tỉnh trung du miền núi phía Bắc còn có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái với một số địa điểm đặc trưng thu hút du khách như: Vườn quốc gia Hoàng Liên có đỉnh Fansipan; Vườn quốc gia Bái Tử Long-vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới; Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La, Tà Xùa, Sốp Cộp và Xuân Nha thuộc tỉnh Sơn La... Qua đó, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách du lịch đến tham quan; ước tính tổng chi tiêu của du khách khoảng 620 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và thu ngân sách của các tỉnh.

Hiện nay việc phát triển kinh tế dưới tán rừng khu vực trung du miền núi phía Bắc còn gặp một số khó khăn do chính sách về phát triển lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng chưa được triển khai đồng bộ và triệt để. Việc nghiên cứu khoa học chưa áp dụng nhiều vào thực tiễn, chưa thương mại hóa thành sản phẩm lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng từ các công trình nghiên cứu. Chưa áp dụng đúng mức thành tựu của khoa học, công nghệ vào việc hiện đại hóa sản xuất thuốc từ dược liệu. Chưa có quy hoạch tổng thể để bảo tồn, phát triển cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng bền vững.

Với sự đa dạng về tài nguyên rừng, địa hình, khí hậu, văn hóa… các tỉnh trung du miền núi phía Bắc có nhiều tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế dưới tán rừng như: cung cấp gỗ, lâm sản ngoài gỗ; các giá trị dịch vụ môi trường rừng gồm cung ứng điều hòa nguồn nước, đa dạng sinh học, hấp thụ các bon, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, những tiềm năng này vẫn chưa được khai thác sử dụng theo hướng đa mục đích, thiếu quy hoạch, sản lượng thấp, thiếu các cơ sở chế biến bảo đảm chất lượng, chế biến sâu; thiếu các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm tinh chế có giá trị giá tăng cao mà chủ yếu là các sản phẩm thô; thiếu sức hấp dẫn và chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm... Là khu vực có nhiều hệ sinh thái rừng đặc trưng, đa dạng sinh học cao, gắn với đa dạng về văn hóa, bản sắc của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, du lịch sinh thái trong rừng còn hạn chế và chưa thu hút được khách du lịch. Chưa tạo được nguồn thu cho các chủ rừng.

Nguồn lợi từ phát triển kinh tế dưới tán rừng rất lớn xong chưa có hành lang pháp lý đầy đủ cho phát triển và triển khai thực hiện. Mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng còn nhỏ lẻ, tự phát và chưa được nhân rộng. Đa số người dân chưa có sinh kế bền vững với việc khai thác nguồn lợi từ rừng để có thể sinh sống bằng nghề rừng, làm giàu từ nghề rừng.

Kinh tế dưới tán rừng: Tiềm năng còn bỏ ngỏ.

Để kinh tế dưới tán rừng phát triển, đáp ứng với yêu cầu đổi mới của đất nước, tương xứng với tiềm năng của rừng và đất rừng đặc biệt đối với những tỉnh có diện tích đất lâm nghiệp lớn, nhiều ý kiến cho rằng, cần đổi mới tổ chức quản lý ngành, tăng cường năng lực quản lý nhà nước về lâm nghiệp từ Trung ương đến địa phương. Cần cải cách hành chính và đổi mới chính sách phù hợp, kịp thời bảo đảm cho người dân ở trong và gần rừng thu nhập ổn định từ diện tích đất lâm nghiệp của mình.

Khẩn trương hoàn thành việc quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia. Lập phương án kế hoạch sử dụng đất lâm nghiệp chi tiết, cụ thể đến cơ sở theo chức năng của từng loại rừng. Rà soát thực hiện việc giao đất gắn với giao rừng để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài để mọi người dân sống gần rừng có đất sản xuất, bảo đảm cuộc sống.

Việt Cường

Từ khóa
Tin liên quan
Tin khác

CHỦ ĐỀ CỦA NĂM

LIÊN KẾT