Mô hình trồng rừng theo tiêu chuẩn quản lý rừng (FSC) góp phần bảo vệ môi trường sinh thái

11:18 AM 22/11/2021 |  Lượt xem: 397 |  In bài viết | 

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó việc chặt phá rừng bừa bãi, buôn lậu gỗ cộng với việc khai thác và quản lý rừng chưa khoa học, vì vậy việc khai thác và quản lý rừng khoa học là rất cần thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Lợi ích khi áp dụng tiêu chuẩn FSC

Việc xây dựng tiêu chuẩn công nghiệp trong quản lý rừng theo tiêu chuẩn FSC đòi hỏi doanh nghiệp và người trồng rừng phải tuân thủ nghiêm ngặt về trách nhiệm môi trường, quản lý rừng phù hợp với môi trường là đảm bảo việc sản xuất gỗ, lâm sản ngoài gỗ và các hệ sinh thái phải duy trì đa dạng sinh học, năng suất của rừng. Quản lý rừng tốt mang lại lợi ích xã hội giúp cho cả người dân địa phương và xã hội để hưởng lợi ích lâu dài và giúp khuyến khích mạnh mẽ người dân địa phương duy trì nguồn tài nguyên rừng. Việc quản lý rừng đem lại lợi ích kinh tế có nghĩa là hoạt động lâm nghiệp được tổ chức và quản lý để có được lợi nhuận mà không gây lên các tổn hại về tài chính để tái sinh nguồn tài nguyên rừng, hệ sinh thái hoặc cho các cộng đồng bị ảnh hưởng. Các nỗ lực tạo thị trường hiệu quả cho các sản phẩm và dịch vụ từ rừng có thể đảm bảo gia tăng lợi nhuận tài chính cho chủ rừng trong khi vẫn tuân thủ các nguyên tắc hoạt động lâm nghiệp có trách nhiệm.

Thấy được lợi ích từ việc trồng rừng, nhất là việc liên kết trồng rừng gỗ lớn có chứng nhận quản lý rừng bền vững giữa các công ty với các hộ trồng rừng ở một số địa phương như tại tỉnh Yên Bái đã có 494 hộ tại 53 thôn thuộc 5 xã (Đại Đồng, Phú Thịnh, Tân Hương, Thịnh Hưng và thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình) của huyện Yên Bình; tại tỉnh Tuyên Quang với 197 hộ dân tại 3 xã (Công Đa, Phú Thịnh, Tiến Bộ), huyện Yên Sơn; tại tỉnh Quảng Trị có 564 hộ trồng rừng tại huyện Vĩnh Linh, huyện Gio Linh, huyện Triệu Phong, huyện Hải Lăng, huyện Cam Lộ; Thành phố Đông Hà và Thị  xã Quảng Trị với diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC là 3.977 ha, giá trị sản phẩm khi đảm bảo theo tiêu chuẩn FSC có giá trị cao hơn so với các loại gỗ không có chứng chỉ cùng loại bán trên thị trường tại thời điểm giao dịch từ 15% - 18%.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đang phối hợp với các địa phương thực hiện xây dựng Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, giai đoạn 2021-2025; trong đó có thí điểm xây dựng vùng nguyên liêu gỗ rừng trồng đạt chuẩn có chứng chỉ tại 2 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế diện tích khoảng 22.900 ha, với 72 hợp tác xã và 19.500 hộ nông dân tham gia liên kết với các Công ty, doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ lâm sản trên địa bàn.

Thông qua các mô hình trồng rừng bền vững đã giúp người dân trồng rừng, nhất là đồng bào vùng dân tộc thiểu số miền núi thấy được giá trị của việc trồng rừng theo tiêu chuẩn vừa nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập lại góp phần bảo vệ tài nguyên môi trường nơi mình đang sinh sống.

Việc phát triển mô hình liên kết theo chuỗi trồng rừng gỗ lớn, có chứng chỉ FSC là phù hợp với thực tiễn sản xuất và chỉ đạo tái cơ cấu sản xuất lâm nghiệp vì: Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, sản phẩm đồ gỗ của nước ta muốn xâm nhập vào thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản thì các sản phẩm này phải được sản xuất từ gỗ nguyên liệu có chứng nhận FSC, làm cơ sở cho việc truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, gỗ hợp pháp; Việc hợp tác, liên kết trồng rừng gỗ lớn, có chứng nhận FSC đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng rừng gỗ nhỏ, không có chứng nhận FSC cho cả người trồng rừng và các công ty chế biến gỗ.

Tuy nhiên, để việc trồng rừng thành công có sự liên kết giữa các công ty chế biến gỗ với nông dân trồng rừng gỗ lớn, có chứng chỉ FSC cần có sự quan tâm, vào cuộc của chính quyền các cấp. Đặc biệt mô hình liên kết được dẫn dắt bởi những doanh nghiệp có thị trường tiêu thụ sản phẩm đồ gỗ ổn định, lâu, có nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất đủ lớn để làm đầu tàu kéo các công ty chế biến gỗ ở  Việt Nam và nông dân tham gia liên kết. Các thành viên tham gia liên kết một cách tự nguyện, cùng chia sẻ lợi ích, rủi ro do liên kết mang lại; họ chỉ tham gia liên kết khi hoạt động liên kết đem lại những lợi ích bền vững cho họ.

Đây cũng là khó khăn, thách thức mô hình liên kết giữa công ty chế biến gỗ với nông dân trồng rừng gỗ lớn, có chứng chỉ FSC gặp phải trong quá trình liên kết như việc vận động các hộ hợp tác, liên kết tích tụ diện tích rừng sản xuất đủ lớn để xin chứng nhận FSC nhằm giảm chi phí gặp khó khăn, (theo đánh giá của những nhà chuyên môn tính toán, với chi phí sản xuất và giá mua gỗ có chứng chỉ FSC hiện nay, các hộ phải tích tụ được một diện tích 1.000 ha thì mới hòa vốn). Để được cấp chứng nhận FSC, các hộ phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc có các giấy tờ chứng minh được tính hợp pháp của đất. Tuy nhiên hiện nay rất nhiều hộ nông dân chưa có những giấy tờ này, rất khó để tham gia liên kết. Các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí kinh phí cho các cơ quan chuyên môn, các tổ chức chính trị-xã hội tuyên truyền, vận động nông dân tham gia hợp tác, liên kết trồng rừng theo quy định của FSC.

Chủ trương về thực hiện liên kết chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp là hoàn toàn đúng đắn, nhằm đảm bảo thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp; phù hợp với xu hướng của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, việc thực hiện liên kết chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp có liên quan đến nhiều yếu tố, nhiều ngành chức năng, (có yếu tố do lịch sử để lại) không thể khắc phục được ngay mà cần phải tiến hành đồng bộ. Để từng bước thực hiện chủ trương, định hướng quan trọng này, theo đề xuất của các cơ quan chuyên môn để chỉ đạo, phối hợp trong thời gian tới đó là:

Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách như: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vấn đề quản lý rừng bền vững (chứng chỉ FSC), thị trường tiêu thụ sản phẩm đồ gỗ… để doanh nghiệp và người trồng rừng thuận lợi trong việc thực hiện liên kết chuỗi. Để trở thành mô hình liên kết trong sản xuất lâm nghiệp (trồng rừng gỗ lớn) mất một thời gian dài, một chu kỳ sản xuất  (ít nhất là 10 năm) thực hiện có hiệu quả. Rất cần có sự hỗ trợ, nhân rộng các mô hình do doanh nghiệp và người trồng rừng tự liên kết. Như vậy khả năng thành công về xây dựng mô hình điểm sẽ lớn hơn và rút ngắn được thời gian xây dựng mô hình.

Liên kết trồng rừng gỗ lớn từ khi trồng rừng đến khi có sản phẩm là một chu kỳ dài, trong chu kỳ dài đó sẽ có những biến động khó lường từ bên trong và bên ngoài, khó tránh khỏi rủi ro. Vì vậy, cần hỗ trợ thông qua mô hình hợp tác, liên kết từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững Trung ương hỗ trợ nông dân tham gia xây dựng mô hình liên kết đầu tư xây dựng đường lâm nghiệp tại các khu vực trồng rừng sản xuất tập trung; trồng rừng gỗ lớn; xin cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững và rất cần Nhà nước áp dụng chế độ bảo hiểm đối với doanh nghiệp và người dân thực hiện liên kết chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp để góp phần khắc phục khi có thiệt hại xảy ra.

Hỗ trợ cơ quan chuyên môn, các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động nông dân tham gia xây dựng mô hình, phổ biến kỹ thuật trồng, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn; hướng dẫn lập hồ sơ xin cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững cho nông dân khi họ có nguyện vọng cần chuyển hóa rừng.

Kim Hằng

Từ khóa
Tin liên quan
Tin khác

CHỦ ĐỀ CỦA NĂM

LIÊN KẾT