Đồng bào dân tộc chủ động tìm hướng sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu
05:45 PM 08/04/2022 | Lượt xem: 2121 In bài viết |Đồng bào dân tộc thiểu số thường sinh sống tập trung tại những khu vực dễ chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu. Bởi vậy, nhiều địa phương đã bước đầu tìm tòi, áp dụng những mô hình sản xuất thích ứng với những thay đổi bất thường của thời tiết mà vẫn tận dụng thế mạnh bản địa, liên kết với doanh nghiệp đảm bảo đầu ra sản phẩm, chủ động vượt lên khó khăn để đảm bảo cuộc sống cho người dân.
Tại khu vực vùng núi phía Bắc, những năm gần đây, tỉnh Cao Bằng thường bị gặp một số hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lạnh giá kéo dài, tần suất gia tăng đã dẫn đến mất mùa, gia súc chết hàng loạt... Vì vậy, tỉnh đã có một số giải pháp thích ứng như: Điều chỉnh mô hình, cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với biến đổi khí hậu; sử dụng giống cây trồng chịu hạn; áp dụng các biện pháp chống xói mòn… Trong đó, trúc sào là một trong những loại cây chủ lực được lựa chọn, do phù hợp với khí hậu á nhiệt đới vùng núi cao.
Cây trúc sào Cao Bằng được trồng nhiều trên vùng đất trống, những khu đồi bỏ hoang nhưng vẫn phát triển tốt nhờ thích nghi với sự phân bố nhiệt, lượng mưa, giờ nắng, tốc độ gió của địa phương. Trúc sào đóng góp vào bảo vệ môi trường sinh thái nhờ làm tăng độ che phủ rừng, giữ đất, giữ nước, bảo tồn và phát triển sự đa dạng các nguồn gen cây bản địa. Ông Đặng Phu Lìn (người Dao) xóm Nặm Cốp, xã Huy Giáp cho biết, những năm gần đây, gia đình ông bán bình quân từ 30 - 40 xe trúc; riêng năm 2018, bán được trên 70 xe, thu nhập trên 100 triệu đồng. Nhờ cây trúc mà gia đình ông xây được nhà cửa khang trang, cuộc sống không còn vất vả như trước đây.
Nhờ các chương trình, dự án, hàng nghìn hộ dân đã được hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật trồng, chăm sóc trúc sào. Công ty trúc tre xuất khẩu Cao Bằng và địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con tận dụng những khe núi, đất đồi để đưa cây trúc sào vào trồng và mở các lớp tập huấn cho người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trúc sào, áp dụng kỹ thuật do Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Cao Bằng đã ban hành. Nhờ đó, đảm bảo ổn định vùng nguyên liệu.
Hiện, thị trường chính tiêu thụ các sản phẩm chiếu trúc của công ty tập trung nhiều ở các tỉnh, thành như Hà Nội, Thái Nguyên, Nghệ An với giá trung bình dao động trong khoảng 415.000 đồng/chiếc. Tổng doanh thu trong năm 2020 ước đạt hơn 42 tỷ đồng. Trong đó, công ty sản xuất được gần 160.000 chiếc chiếu trúc, xuất khẩu sang thị trường Đài Loan trên 80.000 chiếc, giá trị đạt hơn 220.000 USD. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến việc tiêu thụ sản phẩm ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu, Công ty vẫn duy trì việc làm thường xuyên cho khoảng 200 người lao động với thu nhập bình quân 5,5 - 5,8 triệu đồng/người/tháng.
Người dân ủ thức ăn cho gia súc để chủ động ứng phó với thời tiết giá rét.
Trong chăn nuôi, từ thực tế khí hậu mùa đông khắc nghiệt, nhiều khi nhiệt độ giảm đột ngột, gây ra băng giá dày đặc làm chết hàng loạt gia súc và hoa màu, người dân Cao Bằng đã tìm cách chủ động nguồn thức ăn và kiên cố chuồng trai, thay vì nuôi thả gia súc như trước. Gia đình Chị Sầm Thị Thơ ở Hà Quảng, huyện miền núi Cao Bằng đã áp dụng phương pháp ủ chua các loại rau và ngô nghiền. Đây là nguồn thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao, trâu rất thích ăn và tăng trọng nhanh hơn khoảng 30% và với lợn là 50%. Theo đánh giá của địa phương, mô hình rất phù hợp với những hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo, phụ nữ và trẻ em gái đều có thể thực hiện. Người chăn nuôi có đủ nguồn thức ăn cho lợn và trâu bò nhất là vào mùa đông, tiết kiệm nhiều loại chi phí, khắc phục tính thời vụ của cây trồng để đáp ứng đủ nhu cầu thức ăn quanh năm cho chăn nuôi gia súc hàng hoá; tiềm năng nhân rộng rất khả quan.
Một mô hình thành công khác tại huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Cạn. Đây là một huyện miền núi, địa hình phức tạp gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, nhất là nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, mùa khô hạn hán còn mùa mưa gây ngập úng cục bộ. Huyện đã phổ biến kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI làm tăng khả năng chống chịu của cây lúa trong điều kiện trời mưa bão. Giống lúa nếp Khẩu Nua Lếch được lựa chọn là giống vì dễ canh tác, ít sâu bệnh, cho năng suất ổn định. Người dân thu hoạch thóc non để sản xuất cốm rút ngắn thời gian cây lúa trên đồng ruộng từ 15 đến 20 ngày so với thu hoạch thóc để sản xuất gạo giúp hạn chế tác động của mưa, gió bất thường trong tháng 10 tại Bắc Kạn. Để tăng thời gian bảo quản, nhiều hộ dân còn đầu tư máy hút chân không để đóng gói sản phẩm và cho vào tủ chuyên dụng hoặc tủ lạnh. Hiệu quả rất khả quan. Mỗi ha trồng lúa cho doanh thu từ cốm đạt 45,9 triệu đồng/ha và doanh thu từ thóc đạt 42 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí cho thu nhập đạt 58,4 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn 64% so với chỉ thu hoạch thóc để sản xuất gạo.
Chuyển đổi phương thức gieo trồng giúp giống lúa bản địa Khẩu Nua Lếch thích ứng BĐKH
Tại các xã Thượng Quan, Thượng Ân, Cốc Đán của huyện Ngân Sơn, có khoảng 20% hộ trồng lúa Khẩu Nua Lếch thực hiện sản xuất cốm theo quy mô hộ gia đình hoặc theo nhóm, tổ hợp tác. Sản phẩm cốm được các hộ bán cho người bán lẻ trong tỉnh Bắc Kạn và nhiều tỉnh, thành khắp cả nước, kết hợp cả hình thức bán trực tiếp và bán online. Điều này cho thấy, đồng bào dân tộc đã đổi mới tư duy sản xuất cũng như tăng cường kết nối, tiêu thụ sản phẩm.
Rõ ràng, BĐKH đang tác động ngày càng rõ rệt đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân, nhất là ở những địa bàn miền núi – nơi dân cư phần lớn là đồng bào DTTS. Dù đã chủ động khắc phục khó khăn nhưng đại bộ phận người dân ở khu vực này còn thiếu năng lực, công cụ để tìm hiểu và lý giải thông tin khí hậu nên rất khó khăn trong quá trình thích ứng với BĐKH, đặc biệt là trong sản xuất.
Đây là những ví dụ cho thấy hiệu quả tích cực từ sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền các địa phương, hướng đến những mô hình phù hợp để người dân làm quen với phương thức canh tác mới. Các mô hình này sẽ giúp nâng cao năng lực của cộng đồng để ứng phó với BĐKH và phát triển nông nghiệp bền vững dựa vào nông dân ở cấp thôn bản với cách tiếp cận tổng hợp về kỹ thuật, phát triển tổ chức, vận động chính sách địa phương. Người nông dân trong thôn bản đóng vai trò quan trọng trong mô hình này, được quan sát và thực hành trên những mô hình canh tác có đủ quy mô ứng phó với BĐKH ngay tại thôn bản của mình. Nếu triển khai nhân rộng một cách bài bản và đồng bộ, đây sẽ là các giải pháp giúp tăng cường khả năng phục hồi và phát triển bền vững sau những rủi ro của thiên tai.
(baotainguyenmoitruong.vn)