Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Sớm tháo gỡ những bất cập trong đơn giá

03:32 PM 16/09/2020 |  Lượt xem: 213 |  In bài viết | 

Đơn giá chi trả DVMTR ở lưu vực Nhà máy Thủy điện Lai Châu là gần 823.000 đồng/ha/năm

Chênh lệch lớn

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ nhiều năm nay, đơn giá tạm tính mà Quỹ Bảo vệ Phát triển rừng (BVPTR) Việt Nam chi trả cho các lưu vực thủy điện có sự chênh lệch rất lớn. Điều này không chỉ xảy ra ở ngay trên cùng một địa bàn mà ở những địa phương khác nhau, đơn giá cũng không giống nhau.

Như ở Điện Biên, trên địa bàn tỉnh có 2 lưu vực: Sông Đà và sông Mã được chi trả DVMTR từ nguồn Quỹ BVPTR Việt Nam chuyển về. Ở lưu vực sông Đà gồm 3 nhà máy thủy điện: Lai Châu, Hòa Bình, Sơn La, đơn giá chi trả DVMTR bình quân hơn 500.000 đồng/ha/năm. Đặc biệt, từ khi Nhà máy Thủy điện Lai Châu đi vào hoạt động (năm 2016) thì đơn giá chi trả DVMTR ở lưu vực Nhà máy này được nâng lên gần 823.000 đồng/ha/năm. 

Trong khi đó, diện tích rừng thuộc lưu vực sông Mã (gồm Nhà máy Thủy điện Bá Thước 1, Thủy điện Bá Thước 2), đơn giá chi trả DVMTR chỉ dao động 5.000 - 8.000 đồng/ha/năm. Với đơn giá này, nhiều hộ không mặn mà nhận khoán, bảo vệ rừng.

Còn tại Nghệ An, theo đơn giá tạm tính mà Quỹ BVPTR Việt Nam đưa ra thì lưu vực các Thủy điện Bản Cốc, Bản Vẽ, Hủa Na, Cửa Đạt, Nậm Mô, Nậm Cắn đạt trên 200.000 đồng/ha/năm. Còn ở các lưu vực thủy điện: Bản Cánh, Nậm Nơn, Khe Bố, Sao Va, Nậm Pông lại chỉ có giá dưới 100.000 đồng/ha/năm; thậm chí ở lưu vực Thủy điện Nậm Nơn là 46.000 đồng/ha/năm; lưu vực Thủy điện Khe Bố là 28.000 đồng/ha/năm. 

Đơn giá DVMTR không chỉ chênh lệch lớn ở lưu vực các nhà máy thủy điện mà ở một số chính sách khác, định mức chi trả khoán bảo vệ rừng cũng rất khác nhau. Ví dụ theo Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg là 100.000 đồng/ha/năm; theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP là 428.000 đồng/ha/năm… Vì có sự chênh lệch đơn giá lớn giữa các chính sách làm cho các hộ nhận khoán ở khu vực liền kề có sự so sánh về quyền lợi.

Cần giải pháp bền vững

Theo quy định hiện hành, đối với các lưu vực thủy điện thì nguồn kinh phí chi trả DVMTR tỷ lệ thuận với công suất phát điện của nhà máy thủy điện. Vì vậy, với những nhà máy thủy điện sản xuất điện năng lớn thì đơn giá chi trả DVMTR lớn hơn. 

Điều này cũng phù hợp với quy luật kinh tế thị trường. Tuy nhiên, do đơn giá chênh lệch quá lớn nên các chủ rừng cũng như những người tham gia nhận khoán bảo vệ rừng có sự so sánh. Đặc biệt, với đồng bào DTTS, khi đơn giá chênh lệch lớn nên các đơn vị liên quan rất khó tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia bảo vệ rừng. 

Để tháo gỡ vướng mắc này, nhiều địa phương đã chủ động điều tiết kinh phí chi trả DVMTR cho phù hợp. Như tỉnh Điện Biên, từ năm 2019, với những lưu vực có đơn giá quá thấp, tỉnh đã nâng lên mức 400.000 đồng/ha/năm đối với các hộ gia đình đồng bào DTTS, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn khi tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, ngày 16/11/2018 của Chính phủ.

Còn tại Nghệ An, từ năm 2015, tỉnh đã hỗ trợ các đối tượng tham gia bảo vệ rừng tại các lưu vực thủy điện có đơn giá thấp, đưa đơn giá bình quân lên thành 200.000 đồng/ha/năm. Nguồn kinh phí được tỉnh cân đối từ các nguồn ngân sách Nhà nước theo đúng tiêu chí và nguồn kết dư của Quỹ BVMTR từ các năm.

Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế của các địa phương. Giải pháp căn cơ là phải có điều chỉnh phù hợp về đơn giá chi trả DVMTR từ cấp Trung ương.

(baodantoc.vn)

CHỦ ĐỀ CỦA NĂM

LIÊN KẾT