Nhiều mô hình, hoạt động phong phú, đa dạng, phù hợp với địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số

12:00 PM 12/11/2021 |  Lượt xem: 132 |  In bài viết | 

Mô hình chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt, kết hợp trồng cỏ và chế biến thức ăn thô cho bò, vệ sinh chuồng trại; xử lý chất thải trong chăn nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương thuộc Dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình chăn nuôi bò thịt tại vùng đồng bào DTTS của một số tỉnh trung du, miền núi phía Bắc”

Tại các địa phương vùng DTTS, các cấp hội phụ nữ đã chủ động, tích cực phối hợp với các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phục hồi hệ sinh thái, gắn các hoạt động bảo vệ môi trường với việc thực hiện nhiệm vụ công tác Hội bằng nhiều công trình, phần việc thiết thực. Công tác tuyên truyền được Hội thực hiện thông qua nhiều hình thức như: tổ chức hội nghị, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt; phát tờ rơi; vận động hội viên phụ nữ không xả rác bừa bãi ra môi trường, nơi công cộng; thành lập tổ, đội thu gom rác thải; thường xuyên tổ chức các buổi ra quân vệ sinh khu dân cư và giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm...

Từ các phong trào về bảo vệ môi trường, các cấp Hội Phụ nữ các địa phương đã triển khai hiệu quả, xuất hiện nhiều mô hình thiết thực với những cách làm hay, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng; từng bước khẳng định vai trò của phụ nữ trong công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới. Nhiều chương trình, cuộc vận động được phát huy hiệu quả như: Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch; Phụ nữ chung tay phục hồi môi trường; Mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ trồng, chăm sóc ít nhất một cây xanh; Khu dân cư xanh - sạch - đẹp, Con đường hoa, Mỗi hố rác một cây xanh, Tổ phụ nữ thu gom rác thải, Tình người từ phế liệu… Cùng với đó là các hoạt động hết sức ý nghĩa như: lắp đặt bể lọc nước sinh hoạt, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, thu gom, biến rác thải làm gạch sinh thái... nhận được sự tham gia, hưởng ứng đông đảo của hội viên và người dân.

Công tác tuyên truyền để đồng bào hiểu và thay đổi thói quen sống, sinh hoạt cần có sự phối hợp của chính quyền các địa phương và tích cực, duy trì tuyên truyền trong thời gian dài để giúp người dân thay đổi nhận thức. Hội Phụ nữ tỉnh Lai Châu đã chủ động phối hợp với các ban, ngành địa phương thực hiện phương châm “Cầm tay chỉ việc”, “Ăn cùng dân ở cùng dân”, kiên trì tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống gọn gàng, ngăn nắp, hướng dẫn các hộ gia đình làm chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, không thả rông gia súc. Từ đó, người dân đã chủ động thu gom, phân loại, đốt hoặc chôn rác sinh hoạt, chuồng trại được di rời cách xa nhà ở, góp phần bảo vệ môi trường, cũng như bảo đảm sức khỏe cho người dân.

Đáng chú ý, tại huyện Cư M’gar (Đắ k Lắk), “Ngôi nhà thu gom phế liệu” gây quỹ hỗ trợ phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là một trong những mô hình sáng tạo, thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện triển khai từ năm 2020. Mô hình đã trở thành hoạt động thiết thực, không chỉ góp phần nâng cao nhận thức cho hội viên và người dân, từng bước đưa công tác bảo vệ môi trường trở thành trách nhiệm của cộng đồng mà còn lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ cho các hội viên phụ nữ, trẻ em yếu thế cải thiện cuộc sống.

Thanh Hải

Từ khóa
Tin liên quan
Tin khác

CHỦ ĐỀ CỦA NĂM

LIÊN KẾT